Thuế tối thiểu toàn cầu: 5 thông tin cần biết từ năm 2024
Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp theo Quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Dưới đây là tổng hợp các nội dung đáng chú ý liên quan.
1. Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?
Thuế tối thiểu toàn cầu (hay thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu) là loại thuế áp dụng đối với các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu cao đầu tư vào những nước có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp.
Thuế tối thiểu toàn cầu là Trụ cột 2 của Chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (Base erosion and profit shifting – BEPS) do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng vào tháng 6/2013.
2. Thuế tối thiểu toàn cầu khi nào áp dụng?
Việt Nam sẽ chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm tài chính 2024 (theo khoản 1 Điều 8 Nghị quyết 107/2023/QH15).
Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
3. Đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
Theo Điều 2 Nghị quyết 107/2023, đối tượng phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu là bất kỳ công ty, tổ chức nào thuộc tập đoàn đa quốc gia và bất kỳ cơ sở thường trú nào của một công ty, tổ chức thuộc tập đoàn đa quốc gia:
Có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 02 năm trong 04 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu euro (EUR) trở lên, trừ các trường hợp sau:
– Tổ chức của chính phủ;
– Tổ chức quốc tế;
– Tổ chức phi lợi nhuận;
– Quỹ hưu trí;
– Quỹ đầu tư là công ty mẹ tối cao;
– Tổ chức đầu tư bất động sản là công ty mẹ tối cao;
– Tổ chức có ít nhất 85% giá trị tài sản thuộc sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các tổ chức nêu trên.
4. Hướng dẫn cách tính thuế tối thiểu toàn cầu
Theo Điều 4 Nghị quyết 107/2023/QH15, thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu tại Việt Nam được tính theo công thức:
Số thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn = (Tỷ lệ thuế bổ sung x Lợi nhuận tính thuế bổ sung) + Số thuế bổ sung được điều chỉnh cho năm hiện hành (nếu có).
Trong đó,
– Tỷ lệ thuế bổ sung được xác định theo công thức sau đây:
Tỷ lệ thuế bổ sung = Thuế suất tối thiểu – Thuế suất thực tế.
– Thuế suất tối thiểu là 15%.
Thuế suất thực tế được tính cho mỗi năm tài chính theo công thức:
Thuế suất thực tế tại Việt Nam |
= |
Tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc phạm vi áp dụng đã được điều chỉnh trong năm Thuế suất thực tế tài chính của các đơn vị hợp thành tại Việt Nam |
Thu nhập ròng tại Việt Nam trong năm tài chính theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu
|
– Lợi nhuận tính thuế bổ sung tính theo công thức:
Lợi nhuận tính thuế bổ sung = Thu nhập ròng theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu – Giá trị tài sản hữu hình và tiền lương được giảm trừ theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu.
– Thu nhập ròng được xác định theo công thức:
Thu nhập ròng = Thu nhập theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của tất cả các đơn vị hợp thành – Lỗ theo Quy định về thuế tối thiểu toàn cầu của tất cả các đơn vị hợp thành.
5. Kê khai thuế tối thiểu toàn cầu
Theo Điều 6 Nghị quyết 107 năm 2023 của Quốc hội quy định:
– Đối với quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn:
Thời hạn nộp Tờ khai thông tin, Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung: Chậm nhất là 12 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính.
– Đối với quy định về tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu:
Thời hạn nộp Tờ khai thông tin, Tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung kèm Bản thuyết minh giải trình chênh lệch do khác biệt giữa các chuẩn mực kế toán tài chính, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung:
Chậm nhất là 18 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với năm đầu tiên; chậm nhất là 15 tháng sau ngày kết thúc năm tài chính đối với các năm tiếp theo.