Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Cách hạch toán tài khoản 137 (PHẢI THU NHẬN ỦY QUYỀN, ỦY THÁC CHI TRẢ) theo Thông tư 24

Tài khoản 137 – “Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả” – theo Thông tư 24/2014/TT-BTC, quản lý các khoản phải thu liên quan đến ủy quyền và ủy thác chi trả.

1. Nguyên tắc kế toán tài khoản 137

1.1. Tài khoản này được dùng để phản ánh khoản phải thu kinh phí nhận ủy quyền, nhận ủy thác của cơ quan, tổ chức, đơn vị để chi trả cho các đối tượng có liên quan, bao gồm:

– Kinh phí ủy quyền NSNN do đơn vị thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới để chi trả cho các đối tượng theo quy định; ví dụ như kinh phí ủy quyền ngân sách trung ương do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ủy quyền cho các địa phương nhằm chi trả trợ cấp, phụ cấp hoặc các chế độ ưu đãi khác cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng,…

– Kinh phí nhận ủy thác chi trả, nhận ủy quyền chi trả khác, ví dụ như kinh phí nhận ủy thác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng,…

1.2. Đơn vị phải mở sổ kế toán theo dõi chi tiết phù hợp với yêu cầu quản lý cụ thể.

2. Kết cấu và nội dung phản ánh của Tài khoản 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả

Bên Nợ: Số phải thu với bên ủy quyền, ủy thác về khoản chi trả cho đối tượng.

Bên Có: Số đã nhận để chi trả cho đối tượng.

Số dư bên Nợ: Số còn phải thu với bên ủy quyền, ủy thác.

Tài khoản này có thể có số dư bên Có: Phản ánh số đã nhận trước của bên ủy quyền, ủy thác lớn hơn số đã chi trả cho đối tượng.

Tài khoản 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả, có 2 tài khoản cấp 2:

– Tài khoản 1371- Phải thu kinh phí ủy quyền từ NSNN: Phản ánh khoản phải thu kinh phí ngân sách cấp trên ủy quyền cho đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới để chi trả cho các đối tượng có liên quan;

– Tài khoản 1378- Phải thu ủy thác, ủy quyền từ đối tượng khác: Phản ánh khoản phải thu kinh phí ủy thác chi trả, ủy quyền chi trả khác không phải kinh phí NSNN.

Cách hạch toán tài khoản 137
Cách hạch toán tài khoản 137
 

 

3. Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu

3.1. Nhận ủy quyền kinh phí NSNN để chi trả cho đối tượng theo quy định:

a) Khi nhận được danh sách phải chi trả cho đối tượng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, căn cứ hồ sơ, tài liệu có liên quan, ghi:

Nợ TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371)

Có TK 338- Phải trả khác (3388).

b) Trường hợp đơn vị rút dự toán NSNN thay mặt đối tượng thụ hưởng trả trực tiếp cho các tổ chức, đơn vị khác (ví dụ như cơ quan Lao động – Thương binh, xã hội rút dự toán kinh phí ủy quyền chuyển tiền cho cơ quan BHXH để mua BHYT cho người có công với cách mạng,…), ghi:

Nợ TK 338- Phải trả khác (3388)

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371)

Đồng thời, ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (thực chi).

c) Trường hợp rút dự toán về quỹ tiền mặt để tạm ứng cho nhân viên của đơn vị đi trực tiếp chi trả:

– Khi rút dự toán từ KBNN, ghi:

Nợ TK 111-Tiền mặt

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371).

Đồng thời, ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.

– Khi tạm ứng tiền cho nhân viên của đơn vị, ghi:

Nợ TK 141-Tạm ứng (1411)

Có TK 111-Tiền mặt.

– Khi nhân viên làm thủ tục thanh toán tạm ứng, quyết toán khoản đã chi trả, căn cứ hồ sơ, tài liệu có liên quan, ghi:

Nợ TK 338- Phải trả khác (3388) (Số đã chi trả)

Nợ các TK 111, 112 (Số chi không hết nộp lại đơn vị)

Có TK 141-Tạm ứng(1411).

d) Trường hợp rút dự toán chuyển tiền cho tổ chức dịch vụ chi trả để chi trả cho đối tượng:

– Khi rút dự toán, ghi:

Nợ TK 138- Phải thu khác (1388, chi tiết phải thu tổ chức dịch vụ chi trả)

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371)

Đồng thời, ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.

– Khi quyết toán các khoản đã chi trả giữa đơn vị và tổ chức dịch vụ chi trả trực tiếp làm nhiệm vụ chi trả, căn cứ hồ sơ, tài liệu có liên quan, ghi:

Nợ TK 338- Phải trả khác (3388) (Số đã chi trả)

Có TK 138- Phải thu khác (1388, chi tiết phải thu tổ chức dịch vụ chi trả).

– Trường hợp không chi hết phải thu hồi, đơn vị phối hợp với tổ chức dịch vụ chi trả để nộp trả kinh phí theo quy định, căn cứ chứng từ nộp trả kinh phí, ghi:

Nợ các TK 111, 112 (nếu nộp trả tiền cho đơn vị)

Nợ TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371) (nếu tổ chức dịch vụ chi trả nộp trực tiếp vào kho bạc nhà nước)

Có TK 138- Phải thu khác (1388, chi tiết phải thu tổ chức dịch vụ chi trả).

Trường hợp tổ chức dịch vụ chi trả nộp trực tiếp vào kho bạc nhà nước thì đồng thời ghi Có TK 008- Dự toán chi hoạt động (ghi âm).

đ) Trường hợp rút dự toán để chi trả vào tài khoản của đối tượng thụ hưởng:

– Trường hợp chi theo danh sách, đơn vị phải mở riêng tài khoản tiền gửi tại ngân hàng phục vụ để chi trả cho đối tượng thụ hưởng:

+ Căn cứ giấy rút dự toán, ghi:

Nợ TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc (chi tiết tiền gửi của đơn vị tại ngân hàng để chi trả cho đối tượng thụ hưởng)

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371).

Đồng thời, ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.

+ Khi nhận được báo Nợ của ngân hàng về việc đã chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng thụ hưởng, căn cứ hồ sơ tài liệu có liên quan, ghi:

Nợ TK 338- Phải trả khác (3388)

Có TK 112- Tiền gửi Ngân hàng, Kho bạc (chi tiết tiền gửi của đơn vị tại ngân hàng để chi trả cho đối tượng thụ hưởng).

– Trường hợp chuyển trả trực tiếp ngay vào tài khoản của từng đối tượng thụ hưởng, ghi:

Nợ TK 338- Phải trả khác (3388)

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1371)

Đồng thời, ghi: Có TK 008- Dự toán chi hoạt động.

3.2. Nhận ủy thác chi trả, ủy quyền chi trả khác:

a) Khi nhận tiền ủy thác chi trả, ủy quyền chi trả khác, ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1378)

b) Khi xác định đối tượng phải thanh toán chi trả, căn cứ hồ sơ, tài liệu có liên quan, ghi:

Nợ TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1378)

Có TK 338- Phải trả khác (3388)

c) Khi xác định phí quản lý, chi trả mà đơn vị được nhận, ghi:

Nợ TK 137- Phải thu nhận ủy quyền, ủy thác chi trả (1378)

Có các TK 518, 531,…

Hạch toán tài khoản 137 theo Thông tư 24 giúp quản lý hiệu quả các khoản phải thu từ ủy quyền và ủy thác chi trả. Đảm bảo thực hiện đúng quy trình sẽ giúp duy trì tính chính xác và minh bạch trong quản lý tài chính.

Xem thêm:

Cách Xác Định Doanh Thu Tính Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp (TNDN)

Giao Dịch Liên Kết Là Gì? Quy Định Về Giao Dịch Liên Kết Mới Nhất

Chứng Chỉ Đại Lý Thuế Là Gì? Tại Sao Nên Sở Hữu