Cách Xác Định Doanh Thu Tính Thuế Thu Nhập Doanh Nghiệp (TNDN)
I. Doanh thu tính thuế TNDN là gì?
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một khoản thuế bắt buộc của doanh nghiệp do Nhà nước quy định. Đây là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào thu nhập chịu thuế của DN.
Thuế TNDN là một nguồn thu quan trọng của Ngân sách Nhà nước, cung cấp nguồn vốn để Nhà nước đầu tư phát triển các lĩnh vực quan trọng của quốc gia như giáo dục, y tế, môi trường, giao thông, quốc phòng,…
Thuế TNDN là công cụ đắc lực giúp Nhà nước điều chỉnh, phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế một cách hiệu quả, từ đó thúc đẩy hoặc ngăn chặn sự phát triển của một số mặt hàng hoặc ngành hàng. Thuế TNDN cũng là công cụ giúp điều chỉnh lại thu nhập xã hội, làm giảm bớt cách giàu nghèo thông qua việc tính thuế theo tính chất tiến hoặc miễn, giảm thuế cho các đối tượng có thu nhập thấp hoặc có hoàn cảnh khó khăn.
Doanh thu dùng để tính thuế TNDN là toàn bộ tiền bán hàng hóa, tiền cung cấp dịch vụ, tiền gia công bao gồm cả các khoản phụ thu, trợ giá, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt là đã thu tiền hay chưa.
Ta có công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN (nếu có) x Thuế suất
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Các khoản lỗ được kết chuyển
- Thu nhập chịu thuế = DOANH THU – Chi phí được trừ + Các khoản thu nhập khác
Để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp cần phải xác định được doanh thu tính thuế TNDN. Vậy xác định doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp như thế nào?
II. Cách xác định doanh thu tính thuế TNDN
Doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh thu tính thuế TNDN (Doanh thu tính thu nhập chịu thuế TNDN) là toàn bộ số tiền bán hàng hóa, tiền gia công, tiền cung cấp dịch vụ bao gồm cả phần trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là doanh thu chưa bao gồm thuế GTGT.
– Doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT là doanh thu bao gồm cả thuế GTGT.
Xem thêm các bài viết:
- Đối tượng nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp mới nhất
- Quy định về thu nhập miễn thuế TNDN
- Hướng dẫn xác định thu nhập tính thuế TNDN
III. Quy định về doanh thu tính thuế TNDN
Doanh thu tính thuế TNDN thực hiện theo quy định tại Điều 8 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
1. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ kể cả trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế thì doanh thu tính thuế TNDN là doanh thu không có thuế GTGT. Đối với doanh nghiệp kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên GTGT thì doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm cả thuế GTGT.
2. Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với hàng hóa bán ra là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua.
Thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN đối với dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ.
3. Doanh thu để tính thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:
a) Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp được xác định theo giá bán hàng hóa trả tiền một lần, không bao gồm tiền lãi trả góp, trả chậm;
b) Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, tiêu dùng nội bộ (không bao gồm hàng hóa, dịch vụ sử dụng để tiếp tục quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp) được xác định theo giá bán của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm trao đổi, tiêu dùng nội bộ;
Ví dụ: Công ty A phân phối máy tính ACER. Trong kỳ, công ty xuất 1 chiếc máy tính cho nhân viên kế toán sử dụng. Giá bán của chiếc máy tính ACER cùng loại trên thị trường là 15 triệu đồng,
Như vậy, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế TNDN là 15 triệu đồng.
c) Đối với hoạt động gia công hàng hóa là tiền thu về hoạt động gia công bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa;
d) Đối với hoạt động cho thuê tài sản, hoạt động kinh doanh sân gôn, kinh doanh dịch vụ khác mà khách hàng trả tiền trước cho nhiều năm là số tiền bên thuê tài sản, mua dịch vụ trả từng kỳ theo hợp đồng.
Trường hợp bên thuê tài sản, bên mua dịch vụ trả tiền trước cho nhiều năm thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế được phân bổ cho số năm trả tiền trước hoặc xác định theo doanh thu trả tiền một lần.
Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế, việc xác định số thuế được ưu đãi phải căn cứ vào tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của số năm thu tiền trước chia (:) cho số năm thu tiền trước;
Ví dụ: Công ty A năm 2022 có cho công ty B thuê một nhà xưởng. Công ty B đã thanh toán số tiền thuê nhà của 2 năm 2022, 2023 cho Công ty A là 120 triệu đồng.
Công ty A được lựa chọn 1 trong 2 phương pháp xác định doanh thu tính thu nhập chịu thuế sau:
- Cách 1: Doanh thu tính thu nhập chịu thuế năm 2022 = 120/2 = 60 (triệu)
- Cách 2: Doanh thu tính thu nhập chịu thuế năm 2022 = 120 triệu đồng
đ) Đối với hoạt động tín dụng, hoạt động cho thuê tài chính là tiền lãi cho vay, doanh thu về cho thuê tài chính phải thu phát sinh trong kỳ tính thuế;
e) Đối với hoạt động vận tải là toàn bộ doanh thu cước vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý phát sinh trong kỳ tính thuế;
g) Đối với điện, nước sạch là số tiền ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng;
h) Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm là số tiền phải thu về phí bảo hiểm gốc; phí dịch vụ đại lý (bao gồm giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn, xử lý hàng bồi thường 100%); phí nhận tái bảo hiểm; thu hoa hồng tái bảo hiểm và các khoản thu khác về kinh doanh bảo hiểm trừ (-) các khoản hoàn hoặc giảm phí bảo hiểm, phí nhận tái bảo hiểm, các khoản hoàn hoặc giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm.
Trường hợp đồng bảo hiểm, doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là tiền thu phí bảo hiểm gốc được phân bổ theo tỷ lệ đồng bảo hiểm chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Đối với hợp đồng bảo hiểm thỏa thuận trả tiền theo từng kỳ thì doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là số tiền phải thu phát sinh trong từng kỳ;
i) Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hoặc khối lượng công trình xây dựng, lắp đặt được nghiệm thu.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị thì doanh thu tính thuế không bao gồm giá trị nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị;
k) Đối với hoạt động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh mà không thành lập pháp nhân:
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng;
– Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ của hợp đồng;
l) Đối với kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh đặt cược là số tiền thu từ hoạt động này bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ (-) số tiền đã trả thưởng cho khách;
m) Đối với kinh doanh chứng khoán là các khoản thu từ dịch vụ môi giới, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư, phát hành chứng chỉ quỹ, dịch vụ tổ chức thị trường và các dịch vụ chứng khoán khác theo quy định của pháp luật;
n) Đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí là toàn bộ doanh thu bán dầu, khí theo hợp đồng giao dịch sòng phẳng trong kỳ tính thuế;
o) Đối với dịch vụ tài chính phái sinh là số tiền thu từ việc cung ứng các dịch vụ tài chính phái sinh thực hiện trong kỳ tính thuế;
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể quy định tại Điều này và đối với một số trường hợp đặc thù khác.
IV. Doanh thu tính thuế TNDN trong một số trường hợp
Doanh thu tính thuế hộ kinh doanh
Thu nhập chịu thuế của hộ kinh doanh bằng doanh thu trừ đi các khoản chi phí bỏ ra. Các chi phí đó là tiền lương, tiền công hoặc các chi phí khác trả cho người lao động; chi phí mua nguyên vật liệu để sản xuất; chi phí khấu hao máy móc; chi phí lãi vay; chi phí quản lý và các khoản thuế, phí và lệ phí nộp cho Nhà nước.
Không phải hộ kinh doanh cá thể nào cũng bắt buộc có những khoản phí trên, việc xác định doanh thu và chi phí cần dựa trên cơ sở định mức, chứng từ, chế độ, sổ sách được quy định trong luật pháp.
Doanh thu tính thuế TNDN nhà thầu nước ngoài
Đối với các nhà thầu nước ngoài là tổ chức kinh doanh thì cần phải đóng thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo hướng dẫn tại Thông tư 103/2014 trong Luật Thuế.
Doanh thu tính thuế TNDN của nhà thầu nước ngoài là toàn bộ doanh thu mà họ nhận được không bao gồm số thuế GTGT, chưa trừ đi các khoản thuế phải nộp. Các khoản chi phí do bên Việt nam trả thay cho nhà thầu nước ngoài (nếu có) cũng được ghi nhận là doanh thu tính thuế TNDN.
Doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng xuất khẩu
Đối với việc xác định doanh thu tính thuế TNDN của hàng xuất khẩu, hiện chưa có công văn cụ thể đề cập đến. Nhưng căn cứ theo công văn 1892/TCT – CS ban hành ngày 23/5/2014, doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng xuất khẩu có thể được ghi nhận tại thời điểm hoàn tất các thủ tục hải quan trên tờ khai hải quan. Như vậy, có thể thấy thời điểm xác nhận doanh thu tính thuế TNDN và thuế GTGT là đồng nhất. Tuy nhiên, do công văn này chỉ hướng dẫn về 1 trường hợp cụ thể nên xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định doanh thu tính thuế TNDN đối với hàng xuất khẩu.
Trên đây là toàn bộ thông tin về doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn. Rất cảm ơn sự theo dõi của các bạn, xin chào và hẹn gặp lại ở các bài viết sau.