Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Quy trình phân tích khả năng sinh lợi

Cũng như hầu hết các nội dung phân tích khác, quy trình phân tích khả năng sinh lợi của doanh nghiệp cũng bao gồm 3 bước: đánh giá khái quát khả năng sinh lợi, phân tích nhân tố ảnh hưởng đến tình hình biến động của khả năng sinh lợi giữa kỳ phân tích với kỳ gốc và tổng hợp nhân tố ảnh hưởng, rút ra nhận xét, kiến nghị.

Quá trình phân tích khả năng sinh lợi

Quy trình này được áp dụng khi phân tích khả năng sinh lợi của các yếu tố hay chi phí đầu vào hoặc đầu ra phản ánh kết quả sản xuất.

Đánh giá khái quát khả năng sinh lợi

Để đánh giá khái quát khả năng sinh lợi, các nhà phân tích phải tính ra trị số của chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi (sức sinh lợi hoặc tỷ suất sinh lợi của từng đối tượng) rồi so sánh trị số kỳ phân tích với kỳ gốc, so với trị số bình quân ngành hay so với đối thủ cạnh tranh để biết được tình hình biến động về khả năng sinh lợi cả về quy mô lẫn tốc độ tăng trưởng cả về xu hướng lẫn nhịp điệu tăng trưởng ngành tin học văn phòng.

Khi vận dụng kỹ thuật so sánh để đánh giá khái quát khả năng sinh lợi, cần chú ý đến gốc so sánh. Cụ thể:

So sánh với trị số của từng chỉ tiêu theo thời gian:

So sánh với trị số của cùng chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi theo thời gian bao gồm: So sánh với kỳ trước liền kề kỳ phân tích, so sánh xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng

So sánh với kỳ liền kề ngay kỳ phân tích sẽ cho biết mức độ biến động về khả năng sinh lợi của từng đối tượng (tăng hay giảm, tốc độ tăng trưởng cao hay thấp). Từ đó, đánh giá được những nỗ lực phấn đấu trên các mặt của doanh nghiệp trong kỳ nhằm nâng cao khả năng sinh lợi.

So sánh xu hướng và nhịp điệu tăng trưởng cho phép người sử dụng thông tin nắm được sự thay đổi theo thời gian của từng chỉ tiêu; từ đó, rút ra nhận xét, đánh giá tin cậy về khả năng sinh lợi của doanh nghiệp cùng những biến động của khả năng sinh lợi theo thời gian.

So sánh với trị số bình quân ngành, bình quân khu vực hay so với đối thủ cạnh tranh

Việc so sánh này giúp người sử dụng thông tin biết được khả năng sinh lợi của doanh nghiệp, dưới trung bình hay so với đối thủ cạnh tranh (cao, thấp). Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhìn lại mình để có các quyết sách phù hợp nhằm duy trì và cải thiện, nâng cao khả năng sinh lợi. Mặc dù so sánh với khả năng sinh lợi bình quân ngành, bình quân khu vực hay so với đối thủ cạnh tranh cho phép người sử dụng thông tin đo lường mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp nhưng do có những sự khác biệt nhất định những doanh nghiệp đặc thù nên việc so sánh có thể dẫn đến những sai lệch trong nhận định.

quy-trinh-phan-tich-kha-nang-sinh-loi

 

Phân tích nhân tố ảnh hưởng

Trong bước này, trên cơ sở xác định các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng sinh lợi, các nhà phân tích có thể sử dụng kỹ thuật lợi trừ, kỹ thuật Dupont hay kỹ thuật kết hợp (kết hợp kỹ thuật Dupont với kỹ thuật loại trừ) để xác định ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu.

Kỹ thuật loại trừ sử dụng dưới dạng thay thế liên hoàn được áp dụng trong trường hợp phân tích ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lợi giữa kỳ gốc với kỳ phân tích dựa trên cơ sở công thức xác định khả năng sinh lợi của từng đối tượng. 

Theo đó, có 2 nhân tố ảnh hưởng, gọi tắt là “Tử số” và “Mẫu số” 

Xét về quan hệ, tử số là nhân tố phản ánh đầu ra (lợi nhuận) và mẫu số là nhân tố phản ánh đầu vào (yếu tố đầu vào hoặc chi phí đầu vào) hoặc tử số là nhân tố chất lượng so với mẫu số (lợi nhuận so với doanh thu hay tổng giá trị sản xuất) nên ảnh hưởng của mẫu số được xác định trước, tử số sẽ xác định sau.

Cụ thể, mức ảnh hưởng của từng nhân tố đến sự biến động về khả năng sinh lợi được xác định theo kỹ thuật thay thế liên hoàn như sau: 

Ảnh hưởng của mẫu số:

ảnh hưởng của mẫu số

Ảnh hưởng của tử số:

ảnh hưởng của tử số

Trong kỹ thuật Dupont, việc phân tích được thực hiện bằng cách biến đổi, chỉ tiêu gốc phản ánh khả năng sinh lợi của từng đối tượng thành một hàm số có nhiều biến số trên cơ sở mối quan hệ tương hỗ giữa các chỉ tiêu bộ phận. Từ đó, tiến hành thu thập số liệu liên quan, tính toán và so sánh trị số của cả chỉ tiêu gốc và các nhân tố ảnh hưởng (biến số) đến chỉ tiêu gốc trong kỳ cũng như sự thay đổi của cả chỉ tiêu gốc và các nhân tố (biển số) giữa kỳ phân tích với kỳ gốc

Do những ưu điểm và hạn chế của cả kỹ thuật Dupont và kỹ thuật loại trừ, khi phân tích khả năng sinh lợi, các nhà phân tích thường kết hợp sử dụng hai kỹ thuật với nhay. Việc kết hợp giữa kỹ thuật Dupont với loại trừ được áp dụng trước hết bằng cách biến đổi công thức gốc phản ánh khả năng sinh lợi của từng đối tượng nghiên cứu theo mô hình Dupont; sau đó tiến hành sắp xếp lại trật tự của các nhân tố ảnh hưởng theo kỹ thuật loại trừ (từ nhân tố số lượng đến nhân tố chất lượng hoặc từ nhân tố phản ánh yếu tố hay chi phí đầu vào đến nhân tố phản ánh kết quả đầu ra) rồi vận dụng kỹ thuật loại trừ (dạng số chênh lệch hoặc thay thế liên hoàn đều được) để xác định mức ảnh hưởng của các nhân tố đến sư biến động giữa kỳ phân tích với kỳ gốc của khả năng sinh lợi.

Bằng cách vận dụng kỹ thuật kết hợp này trong phân tích khả năng sinh lợi, các nhà phân tích vừa khắc phục được những hạn chế vừa kết hợp được những ưu điểm của cả hai kỹ thuật Dupont và kỹ thuật loại trừ

Tổng hợp nhân tố ảnh hưởng, rút ra nhận xét, kiến nghị:

Trên cơ cở tổng hợp ảnh hưởng của các nhân tố đến sự biến động của các chỉ tiêu phản ánh đối tượng nghiên cứu, các nhà phân tích sẽ rút ra nhận xét, chỉ rõ các nguyên nhân ảnh hưởng cũng như kiến nghị các giải pháp để nâng cao khả năng sinh lợi trong kỳ tới. Đề nghị mang tính khả thi, cần thiết liên hệ với tình hình thực tế tại doanh nghiệp.

Xem thêm:

Thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp

Một số lưu ý khi nhận được L/C

Tổng quan về các phương thức thanh toán Quốc tế