Quy Định Đối Tượng Chịu Thuế GTGT 0% Mới Nhất
I. Đối Tượng Chịu Thuế GTGT 0%
Đối tượng chịu thuế GTGT 0%
1. Thuế suất thuế GTGT 0%:
Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này.
Hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu là hàng hóa, dịch vụ được bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; bán, cung ứng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.
a) Hàng hóa xuất khẩu bao gồm:
– Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài, kể cả ủy thác xuất khẩu;
– Hàng hóa bán vào khu phi thuế quan theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; hàng bán cho cửa hàng miễn thuế;
– Hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam;
– Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam;
– Các trường hợp được coi là xuất khẩu theo quy định của pháp luật:
+ Hàng hóa gia công chuyển tiếp theo quy định của pháp luật thương mại về hoạt động mua, bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công hàng hóa với nước ngoài.
+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật.
+ Hàng hóa xuất khẩu để bán tại hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.
b) Dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
Cá nhân ở nước ngoài là người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và ở ngoài Việt Nam trong thời gian diễn ra việc cung ứng dịch vụ. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh và các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Trường hợp cung cấp dịch vụ mà hoạt động cung cấp vừa diễn ra tại Việt Nam, vừa diễn ra ở ngoài Việt Nam nhưng hợp đồng dịch vụ được ký kết giữa hai người nộp thuế tại Việt Nam hoặc có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với phần giá trị dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất 0% trên toàn bộ giá trị hợp đồng. Trường hợp, hợp đồng không xác định riêng phần giá trị dịch vụ thực hiện tại Việt Nam thì giá tính thuế được xác định theo tỷ lệ (%) chi phí phát sinh tại Việt Nam trên tổng chi phí.
Cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ là người nộp thuế tại Việt Nam phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam.
Ví dụ: Công ty B ký hợp đồng với Công ty C về việc cung cấp dịch vụ tư vấn, khảo sát, thiết kế cho dự án đầu tư ở Cam-pu-chia của Công ty C (Công ty B và công ty C là các doanh nghiệp Việt Nam). Hợp đồng có phát sinh các dịch vụ thực hiện ở Việt Nam và các dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia thì giá trị phần dịch vụ thực hiện tại Cam-pu-chia được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%; đối với phần doanh thu dịch vụ thực hiện tại Việt Nam, Công ty B phải kê khai, tính thuế GTGT theo quy định.
Ví dụ: Công ty D cung cấp dịch vụ tư vấn, khảo sát, lập báo cáo khả thi đối với dự án đầu tư tại Lào cho Công ty X. Giá trị hợp đồng Công ty D nhận được là 5 tỷ đồng đã bao gồm thuế GTGT cho phần dịch vụ thực hiện tại Việt Nam. Hợp đồng giữa 2 doanh nghiệp không xác định được doanh thu thực hiện tại Việt Nam và doanh thu thực hiện tại Lào. Công ty D tính toán được các chi phí thực hiện ở Lào (chi phí khảo sát, thăm dò) là 1,5 tỷ đồng và chi phí thực hiện ở Việt Nam (tổng hợp, lập báo cáo) là 2,5 tỷ đồng.
Doanh thu đối với phần dịch vụ thực hiện tại Việt Nam đã bao gồm thuế GTGT được xác định như sau:
5 tỷ x 2,5 tỷ/(2,5 tỷ + 1,5 tỷ) = 3,125 tỷ đồng
Trường hợp Công ty D có tài liệu chứng minh Công ty cử cán bộ sang Lào thực hiện khảo sát, thăm dò và có giấy tờ chứng minh Công ty mua một số hàng hóa phục vụ việc khảo sát, thăm dò tại Lào thì doanh thu đối với phần dịch vụ thực hiện tại Lào được áp dụng thuế suất 0% và được xác định bằng 1,875 tỷ đồng (5 – 3,125 = 1,875 tỷ đồng).
c) Vận tải quốc tế quy định tại khoản này bao gồm vận tải hành khách, hành lý, hàng hóa theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam, hoặc cả điểm đi và đến ở nước ngoài, không phân biệt có phương tiện trực tiếp vận tải hay không có phương tiện. Trường hợp, hợp đồng vận tải quốc tế bao gồm cả chặng vận tải nội địa thì vận tải quốc tế bao gồm cả chặng nội địa.
Ví dụ: Công ty vận tải X tại Việt Nam có tàu vận tải quốc tế, Công ty nhận vận chuyển hàng hóa từ Sin-ga-po đến Hàn Quốc. Doanh thu thu được từ vận chuyển hàng hóa từ Sin-ga-po đến Hàn Quốc là doanh thu từ hoạt động vận tải quốc tế.
d) Dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở nước ngoài hoặc thông qua đại lý, bao gồm:
Các dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không; dịch vụ cất hạ cánh tàu bay; dịch vụ sân đậu tàu bay; dịch vụ an ninh bảo vệ tàu bay; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý và hàng hóa; dịch vụ băng chuyền hành lý tại nhà ga; dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất; dịch vụ bảo vệ tàu bay; dịch vụ kéo đẩy tàu bay; dịch vụ dẫn tàu bay; dịch vụ thuê cầu dẫn khách lên, xuống máy bay; dịch vụ điều hành bay đi, đến; dịch vụ vận chuyển tổ lái, tiếp viên và hành khách trong khu vực sân đậu tàu bay; chất xếp, kiểm đếm hàng hóa; dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam (passenger service charges).
Các dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0%: Dịch vụ lai dắt tàu biển; hoa tiêu hàng hải; cứu hộ hàng hải; cầu cảng, bến phao; bốc xếp; buộc cởi dây; đóng mở nắp hầm hàng; vệ sinh hầm tàu; kiểm đếm, giao nhận; đăng kiểm.
đ) Các hàng hóa, dịch vụ khác:
– Hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
– Hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu, trừ các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0% hướng dẫn tại khoản 3 Điều này;
– Dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Điều kiện áp dụng thuế suất 0%
a) Đối với hàng hóa xuất khẩu:
– Có hợp đồng bán, gia công hàng hóa xuất khẩu; hợp đồng ủy thác xuất khẩu;
– Có chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
– Có tờ khai hải quan theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư này.
Riêng đối với trường hợp hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam, cơ sở kinh doanh (bên bán) phải có tài liệu chứng minh việc giao, nhận hàng hóa ở ngoài Việt Nam như: hợp đồng mua hàng hóa ký với bên bán hàng hóa ở nước ngoài; hợp đồng bán hàng hóa ký với bên mua hàng; chứng từ chứng minh hàng hóa được giao, nhận ở ngoài Việt Nam như: hóa đơn thương mại theo thông lệ quốc tế, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…; chứng từ thanh toán qua ngân hàng gồm: chứng từ qua ngân hàng của cơ sở kinh doanh thanh toán cho bên bán hàng hóa ở nước ngoài; chứng từ thanh toán qua ngân hàng của bên mua hàng hóa thanh toán cho cơ sở kinh doanh.
Ví dụ: Công ty A và Công ty B (là các doanh nghiệp Việt Nam) ký hợp đồng mua bán dầu nhờn. Công ty A mua dầu nhờn của các công ty ở Sin-ga-po, sau đó bán cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po. Trường hợp Công ty A có: Hợp đồng mua dầu nhờn ký với các công ty ở Sin-ga-po, hợp đồng bán hàng giữa Công ty A và Công ty B; chứng từ chứng minh hàng hóa đã giao cho Công ty B tại cảng biển Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty A chuyển cho các công ty bán dầu nhờn ở Sin-ga-po, chứng từ thanh toán tiền qua ngân hàng do Công ty B thanh toán cho Công ty A thì doanh thu do Công ty A nhận được từ bán dầu nhờn cho Công ty B được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0%.
b) Đối với dịch vụ xuất khẩu:
– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức, cá nhân ở nước ngoài hoặc ở trong khu phi thuế quan;
– Có chứng từ thanh toán tiền dịch vụ xuất khẩu qua ngân hàng và các chứng từ khác theo quy định của pháp luật;
Riêng đối với dịch vụ sửa chữa tàu bay, tàu biển cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, để được áp dụng thuế suất 0%, ngoài các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên, tàu bay, tàu biển đưa vào Việt Nam phải làm thủ tục nhập khẩu, khi sửa chữa xong thì phải làm thủ tục xuất khẩu.
c) Đối với vận tải quốc tế:
– Có hợp đồng vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển theo chặng quốc tế từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài đến Việt Nam hoặc cả điểm đi và điểm đến ở nước ngoài theo các hình thức phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với vận chuyển hành khách, hợp đồng vận chuyển là vé. Cơ sở kinh doanh vận tải quốc tế thực hiện theo các quy định của pháp luật về vận tải.
– Có chứng từ thanh toán qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng. Đối với trường hợp vận chuyển hành khách là cá nhân, có chứng từ thanh toán trực tiếp.
d) Đối với dịch vụ của ngành hàng không, hàng hải:
d.1) Dịch vụ của ngành hàng không áp dụng thuế suất 0% được thực hiện trong khu vực cảng hàng không quốc tế, sân bay, nhà ga hàng hóa hàng không quốc tế và đáp ứng các điều kiện sau:
– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức ở nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài hoặc yêu cầu cung ứng dịch vụ của tổ chức ở nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài;
– Có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng. Trường hợp các dịch vụ cung cấp cho tổ chức nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài phát sinh không thường xuyên, không theo lịch trình và không có hợp đồng, phải có chứng từ thanh toán trực tiếp của tổ chức nước ngoài, hãng hàng không nước ngoài.
Các điều kiện về hợp đồng và chứng từ thanh toán nêu trên không áp dụng đối với dịch vụ phục vụ hành khách đi chuyến bay quốc tế từ cảng hàng không Việt Nam (passenger service charges).
d.2) Dịch vụ của ngành hàng hải áp dụng thuế suất 0% thực hiện tại khu vực cảng và đáp ứng các điều kiện sau:
– Có hợp đồng cung ứng dịch vụ với tổ chức ở nước ngoài, người đại lý tàu biển hoặc yêu cầu cung ứng dịch vụ của tổ chức ở nước ngoài hoặc người đại lý tàu biển;
– Có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng của tổ chức ở nước ngoài hoặc có chứng từ thanh toán dịch vụ qua ngân hàng của người đại lý tàu biển cho cơ sở cung ứng dịch vụ hoặc các hình thức thanh toán khác được coi là thanh toán qua ngân hàng.
3. Các trường hợp không áp dụng mức thuế suất 0%
– Tái bảo hiểm ra nước ngoài; chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn, cấp tín dụng, đầu tư chứng khoán ra nước ngoài; dịch vụ tài chính phái sinh; dịch vụ bưu chính, viễn thông chiều đi ra nước ngoài (bao gồm cả dịch vụ bưu chính viễn thông cung cấp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan; cung cấp thẻ cào điện thoại di động đã có mã số, mệnh giá đưa ra nước ngoài hoặc đưa vào khu phi thuế quan);
sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản hướng dẫn tại Khoản 23 Điều 4 Thông tư này; thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu; hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho cá nhân không đăng ký kinh doanh trong khu phi thuế quan, trừ các trường hợp khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Thuốc lá, rượu, bia nhập khẩu sau đó xuất khẩu thì khi xuất khẩu không phải tính thuế GTGT đầu ra nhưng không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
– Xăng, dầu bán cho xe ô tô của cơ sở kinh doanh trong khu phi thuế quan mua tại nội địa;
– Xe ô tô bán cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan;
– Các dịch vụ do cơ sở kinh doanh cung cấp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan bao gồm: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; dịch vụ vận chuyển đưa đón người lao động; dịch vụ ăn uống (trừ dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp, dịch vụ ăn uống trong khu phi thuế quan);
– Các dịch vụ sau cung ứng tại Việt Nam cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài không được áp dụng thuế suất 0% gồm:
+ Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành;
+ Dịch vụ thanh toán qua mạng;
+ Dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa tại Việt Nam.
II. Phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT 0%, được miễn thuế, và không thuộc diện chịu thuế GTGT
1. Đối tượng được miễn thuế
Đối tượng được miễn thuế GTGT là trường hợp hàng hóa hay dịch vụ nằm trong đối tượng chịu thuế ở một mức thuế suất nhất định, có các căn cứ tính thuế rõ ràng và phải kê khai thuế đối với cơ quan thuế.
Tuy nhiên hàng hóa, dịch vụ này được hưởng những ưu đãi từ nhà nước trong một khoảng thời gian nhất định như đầu tư vào những vùng xa xôi, các ngành nghề đặc biệt… nên được miễn thuế để khuyến khích cho nhà đầu tư và tạo điều kiện để sản phẩm hàng hóa dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước hoặc xuất khẩu. Do đó, miễn thuế mang tính chất ưu tiên, ưu đãi hay được khuyến khích do có phần thuế được miễn giảm hoàn toàn hay một phần, được khấu trừ thuế đầu vào.
Hiện tại, pháp luật hiện hành không có quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Việc miễn thuế thường được áp dụng nhiều đối với hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu được quy định ở các văn bản pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều đề xuất đưa ra là nên đưa vào các quy định về việc miễn thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.
2. Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT
Đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT là trường hợp hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT thì không phải thực hiện nộp thuế GTGT. Do đó họ không được khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho việc sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định mà phải tính vào nguyên giá tài sản cố định, giá trị nguyên vật liệu hoặc chi phí kinh doanh.
Bên cạnh đó, pháp luật còn quy định các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng được quy định tại Điều 5 Luật Thuế GTGT, dẫn chiếu đến Điều 4 Thông tư 06/2012/TT-BTC Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 12 năm 2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ
3. Phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT 0%, được miễn thuế, và không thuộc diện chịu thuế GTGT
Điểm chung giữa các đối tượng được miễn thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 0% và không thuộc diện chịu thuế là không phải nộp thuế.
Nhưng bản chất của ba việc này là hoàn toàn khác nhau dẫn đến việc có hay không có hoạt động khai thuế, nộp thuế. Phụ thuộc vào từng điều kiện nhất định mà hàng hóa, dịch vụ sẽ thuộc đối tượng nào.
Vậy như thế nào là thuế GTGT đầu vào?
– Thuế GTGT đầu vào là tổng số thuế GTGT trên hóa đơn GTGT và các chứng từ kế toán bao gồm cả khoản thuế được khấu trừ và không được khấu trừ:
Thuế GTGT được khấu trừ: Là số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ mua vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh chịu thuế GTGT.
Thuế GTGT không được khấu trừ: là số thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ mua vào không nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa chịu thuế, thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ có chứng từ không hợp lệ, của hóa đơn đã quá thời hạn kê khai, …
Công thức số thuế giá trị gia tăng được tính như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Thuế GTGT đầu ra – Thuế GTGT đầu vào được khầu trừ
Từ công thức trên:
Đối với hàng hóa xuất khẩu được tính thuế suất 0% thì số thuế GTGT phải nộp = 0 (do hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% nên thuế GTGT đầu ra là 0) – thuế GTGT đầu vào = – (âm) thuế GTGT đầu vào và được hoàn thuế GTGT đầu vào ở khâu trước.
Do đó, việc áp dụng thuế suất 0% không những sẽ đem ngoại tệ về cho Việt Nam mà hàng hóa xuất khẩu lại rẻ, có thể cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác.
Cho nên, khi đánh thuế GTGT 0% cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không chỉ không tính thuế GTGT đầu ra mà vẫn được khấu trừ GTGT đầu vào, được coi như là một hình thức hỗ trợ của nhà nước.
Nếu thuế đầu vào không được khấu trừ toàn bộ mà khấu trừ một phần thì phải tiến hành phân bổ thuế GTGT (Cách tính thuế do chi cục thuế từng địa phương hướng dẫn) và chỉ được khấu trừ 1 phần thuế GTGT đầu vào. Còn phần thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì cho vào chi thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Vì thuế GTGT đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh mới được khấu trừ. Việc phân bổ được tính theo chỉ tiêu doanh thu của từng hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh và hoạt động không phục vụ sản xuất kinh doanh.