Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Lưu ý về các khoản chi phí trả trước, khấu hao tài sản cố định

Cuối mỗi kỳ, kế toán phải thực hiện các bút toán phân bổ chi phí trả trước ngắn hạn, chi phí trả trước dài hạn và khấu hao tài sản cố định.

I. QUY ĐỊNH VỀ CÁC KHOẢN CHI PHÍ TRẢ TRƯỚC, THỜI GIAN KHẤU HAO TÀI SẢN CỐ ĐỊNH

  • Đối với tài sản cố định, thời gian trích khấu hao tài sản cố định phải áp dụng theo đúng Thông tư 45/2013/TT-BTC.
  • Với công cụ dụng cụ, thời gian phân bổ chi phí tối đa là 36 tháng, các bạn lưu ý phải trích đúng khung thời gian quy định. Nếu công cụ dụng cụ được phân bổ quá 36 tháng thì chi phí những tháng sau sẽ không được tính là chi phí được trừ.
  • Phải lập bảng phân bổ chi phí trả trước, và khấu hao tài sản cố định theo từng tháng.
  • Từ ngày 01/01/2017, không còn tài khoản 142 nên tất cả các doanh nghiệp đều phải định khoản chi phí trả trước vào tài khoản 242. Do vậy, nếu báo cáo tài chính của doanh nghiệp năm 2016 trên tài khoản 142 còn số dư thì vào đầu năm 2017, kế toán phải kết chuyển toàn bộ số dư TK 142 sang TK 242 để theo dõi.
  • Bất cứ một công cụ dụng cụ nào mới mua về đều phải hạch toán qua tài khoản trung gian 153 để đảm bảo nguyên tắc kế toán: thể hiện được mục đích dòng tiền chi và tài sản chờ phân bổ. Một số kế toán không hạch toán qua tài khoản 153 mà đưa thẳng vào tài khoản 142 hoặc 242 là sai nguyên tắc kế toán mặc dù số liệu không thay đổi.

Cách định khoản khi mua Công cụ, dụng cụ như sau:

Nợ TK 153

Nợ TK 133 (Nếu có)

     Có TK 111, 112, 331….

Khi xuất công cụ dụng cụ vào sử dụng, ghi:

Nợ TK 242

    Có TK 153

Hàng tháng, khi phân bổ công cụ, dụng cụ, ghi:

Nợ TK 642, 641, 627…

    Có TK 242

các khoản chi phí trả trước

Quy định về chi phí trả trước, khấu hao tài sản cố định

II. CÁCH KIỂM TRA SỐ LIỆU TRÊN TÀI KHOẢN 142, 242 VÀ 214

Khi lập báo cáo tài chính, kế toán cần đối chiếu số liệu trên tài khoản 142, 242, 214 với các bảng phân bổ chi phí trả trước và bảng phân bổ khấu hao tài sản cố định của từng tháng.

  • Số dư Nợ đầu kỳ của TK 142, TK 242, TK 214 trên sổ cái = Số dư Nợ đầu kỳ của TK 142, 242, 214 trên bảng cân đối số phát sinh = số chưa phân bổ trong bảng phân bổ chi phí cuối kỳ trước.
  • Số phát sinh Có TK 142, 242, 214 trên sổ cái = Tổng số phát sinh Có TK 142, 242, 214 trên bảng cân đối tài khoản = Tổng số phân bổ kỳ này trên bảng phân bổ chi phí.
  • Số dư cuối kỳ của TK 142, TK 242, TK 214 ở sổ cái = Số còn phải phân bổ (Giá trị còn lại) trong bảng phân bổ chi phí kỳ này.

Trên đây là những lưu ý về các khoản chi phí trả trước, khấu hao tài sản cố định. Mong rằng bài viết hữu ích với các bạn đang học và theo nghề kế toán!

Nếu các bạn quan tâm tới kế toán xây dựng có thể xem thêm: Toàn bộ quy trình hạch toán chi phí xây dựng mà kế toán cần biết