Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Hướng Dẫn Hạch Toán Góp Vốn Điều Lệ Theo Thông Tư 200

Khi làm việc trong loại hình công ty cổ phần, kế toán viên sẽ có những nghiệp vụ kinh tế khác biệt như hạch toán góp vốn điều lệ, hạch toán trả lại góp vốn điều lệ… bởi tính chất của công ty. Vậy nguyên tắc, tài khoản nào và cách hạch toán như thế nào?

Bài viết dưới đây xin gửi đến bạn đọc bài viết về hướng dẫn hạch toán góp vốn điều lệ theo Thông tư 200 trong bài viết dưới đây.

  • 1. Vốn Điều Lệ Là Gì? Góp Vốn Điều Lệ Thế Nào?

Vốn điều lệ

 là hình thức góp vốn của các thành viên cổ đông đã cam kết góp vốn trong một thời gian nhất định để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, số vốn đóng góp ấy sẽ được lưu lại trong một hợp đồng gọi là điều lệ công ty.

 

Bên góp vốn

 (tất cả các thành viên cổ đông) và bộ phận điều hành doanh nghiệp (bên sử dụng nguồn vốn đó) có trách nhiệm tôn trọng và nghiêm túc, trách nhiệm theo những điều đã nêu trong điều lệ công ty. 

Góp vốn điều lệ 

có nghĩa là bạn đầu tư vào công ty để trở thành chủ sở hữu công ty (trường hợp đóng góp 100% vốn điều lệ) hoặc trở thành đồng sở hữu (trường hợp đóng góp một phần vốn điều lệ).

Vậy tài khoản nào dùng để ghi nhận nghiệp vụ hạch toán góp vốn điều lệ theo thông tư 200 của Bộ Tài chính ban hành?

2. Nội Dung Phản Ánh Của Tài Khoản 411 –  Vốn Đầu Tư Của Chủ Sở Hữu

Tài khoản 411 dùng để phản ánh do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng – giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu. Trong đó, vốn đầu tư của chủ sở hữu bao gồm:

  • Vốn góp ban đầu, vốn góp bổ sung của các chủ sở hữu; 
  • Thặng dư của vốn cổ phần;
  • Vốn khác…

Các doanh nghiệp chỉ hạch toán vào TK 4111 –  Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp, không được ghi nhận theo đúng số cam kết, số phải thu của các chủ sở hữu vốn góp.

Doanh nghiệp, công ty phải tổ chức hạch toán góp vốn điều lệ chi tiết nhằm đảm bảo tính công bằng, minh bạch số vốn của các chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn (như vốn góp của chủ sở hữu, vốn khác hay thặng dư vốn cổ phần,…). Đồng thời kế toán phải theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn cho công ty. 

3. Kết Cấu Và Nội Dung Phản Ánh Của Tài Khoản 411 – Vốn Đầu Tư Của Chủ Sở Hữu

Bên Nợ: Vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm do:

– Hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu vốn, các nhà đầu tư;

– Phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá ban đầu;

– Điều chuyển vốn cho đơn vị, tổ chức khác;

– Bù khoản lỗ kinh doanh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

– Giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp, đơn vị;

– Hủy bỏ cổ phiếu quỹ, trái phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).

Bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng do:

– Các chủ sở hữu, cổ đông góp vốn;

– Phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá phát hành; 

– Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh, từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu, cổ đông;

– Phát sinh quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu (đối với công ty cổ phần);

– Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

– Giá trị quà tặng, biếu, tài trợ (sau khi trừ các khoản thuế doanh nghiệp phải nộp) được ghi tăng.

Số dư bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu hiện có của doanh nghiệp, công ty.

NOTE: Tài khoản 411 thuộc loại tài khoản Vốn chủ sở hữu nên khi hạch toán góp vốn điều lệ thì bạn nên nhớ tài khoản này: Tăng bên Có, Giảm bên Nợ nhé.

Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu, sẽ có 4 tài khoản cấp 2:

– TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu: Tài khoản này sẽ phản ánh khoản vốn thực đã đầu tư của chủ sở hữu theo vốn điều lệ công ty của các chủ sở hữu vốn, các cổ đông. Đối với các công ty cổ phần thì vốn góp từ phát hành cổ phiếu được ghi vào tài khoản này teo đúng mệnh giá phát hành. 

Đặc biệt, đối với các công ty cổ phần, tài khoản 4111 có 2 tài khoản cấp 3 theo Thông tư 200 như sau:

Tài khoản 41111 – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết: Tài khoản này phản ánh tổng mệnh giá của cổ phiếu phổ thông có quyền tham gia biểu quyết vào các quyết định của công ty.

Tài khoản 41112 – Cổ phiếu ưu đãi: Tài khoản này phản ánh tổng mệnh giá của cổ phiếu ưu đãi. Doanh nghiệp phải chi tiết loại cổ phiếu này thành 2 nhóm chính: Nhóm được phân loại và trình bày là vốn chủ sở hữu và nhóm được phân loại và trình bày là nợ phải trả.

TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần: Tài khoản sẽ phản ánh phần chênh lệch giữa mệnh giá cổ phiếu và giá phát hành hay chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần). Tài khoản 4112 có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có. 

TK 4113 – Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu: Tài khoản sẽ chỉ sử dụng tại bên phát hành trái phiếu chuyển đổi, dùng để phản ánh cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo.

TK 4118 – Vốn khác: Tài khoản này phản ánh số vốn kinh doanh được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh hoặc do được tài trợ, biếu, tặng, đánh giá lại tài sản (nếu các khoản này được phép ghi giảm, tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, cổ đông).

Việc nắm vững kiến thức về nội dung và cấu trúc của tài khoản 411 cũng như các tài khoản cấp 2 sẽ giúp bạn tự tin hơn khi hạch toán góp vốn điều lệ trên cương vị của kế toán viên công ty, doanh nghiệp.

4. Nguyên Tắc Khi Ghi Giảm Vốn Đầu Tư Của Chủ Sở Hữu

Để trả lời cho câu hỏi: “Ghi giảm vốn chủ sở hữu bằng cách nào?”, thì theo điểm đ Khoản 1 Điều 67 về Tài khoản 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu có quy định như sau:

“đ. Doanh nghiệp ghi giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu khi:Trả lại vốn cho các chủ sở hữu, hủy bỏ cổ phiếu quỹ theo quy định của pháp luật;Giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.”

 

 

5. Hạch Toán Góp Vốn Điều Lệ Của Chủ Sở Hữu Khi Góp Vốn Bằng Tiền, Hàng Hóa, Tài Sản, Chuyển Nợ

Để hạch toán góp vốn điều lệ khi giảm giá vốn kinh doanh thì khi thực nhận vốn góp của các chủ sở hữu, kế toán ghi nhận: 

Nợ các TK 111, 112 (nếu công ty nhận vốn góp bằng tiền)

Nợ các TK 121, 128, 228 (nếu nhận vốn góp bằng cổ phiếu, trái phiếu hoặc các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác)

Nợ các TK 152, 156, 155 (nếu nhận góp vốn bằng hàng tồn kho)

Nợ các TK 211, 217, 241 (nếu nhận vốn góp bằng tài sản cố định, BĐSĐT)

Nợ các TK 331, 338, 341 (nếu chuyển vay, nợ phải trả thành vốn góp)

Nợ các TK 4118, 4112 – sự chênh lệch giữa giá trị tài sản, khoản nợ phải trả được chuyển thành vốn nhỏ hơn giá trị phần vốn góp được tính là vốn góp của chủ sở hữu.

Có TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu

Có các TK 4118, 4112 – sự chênh lệch giữa giá trị tài sản, nợ phải trả được chuyển thành vốn lớn hơn giá trị phần vốn góp được tính là vốn góp của chủ sở hữu.

6. Hạch Toán Góp Vốn Điều Lệ Của Chủ Sở Hữu Bằng Phát Hành Cổ Phiếu Huy Động Vốn Từ Các Cổ Đông

6.1 Các khoản chi phí trực tiếp liên quan đến việc phát hành cổ phiếu, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần

Nợ TK 111, 112..

6.2 Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông với giá phát hành theo mệnh giá cổ phiếu, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 111, 112 (theo mệnh giá cổ phiếu)

Có TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá cổ phiếu).

6.3 Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông có sự chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu, kế toán ghi nhận:

Nợ TK 111, 112 (theo giá phát hành cổ phiếu, trái phiếu)

Nợ TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (khi giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá cổ phần)

Có TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)

Có TK 4112 – Thặng dư vốn cổ phần (nếu giá phát hành lớn hơn mệnh giá cổ phần)

7. Hạch Toán Góp Vốn Điều Lệ Khi Trả Lại Vốn Góp

Khi trả lại vốn góp cho chủ sở hữu, kế toán ghi nhận như sau: 
– Trả lại vốn góp bằng tiền, hàng tồn kho, vật phẩm, ghi nhận:

Nợ TK 4111 – Vốn góp của chủ sở hữu

Có các TK 111, 112, 155, 152, 156,… (giá trị ghi sổ)

– Trả lại vốn góp bằng Tài sản cố định, ghi nhận:

Nợ TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu

– Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản trả cho chủ sở hữu vốn và số vốn góp của chủ sở hữu được ghi nhận vào làm tăng, giảm vốn khác của chủ sở hữu, cổ đông. 

Tham khảo thêm: