Hợp đồng thử việc có phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc không?
1. Đối tượng phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định mới nhất
Theo những quy định mới nhất sau về bảo hiểm xã hội tính đến năm 2018 tại:
- Điểm b, khoản 1 điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
- Điểm 1.2, khoản 1, điều 4, QĐ số 595/QĐ-BHXH ban hành ngày 14/4/2017 quy định những đối tượng sau phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc:
“1.2. Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);
Vì vậy, để biết hợp đồng thử việc có phải đóng BHXH bắt buộc không, bạn đọc cần phải trả lời được 02 câu hỏi sau:
– Hợp đồng thử việc có phải là hợp đồng lao động không?
– Thời gian thử việc có đặt trong hợp đồng lao động không?
Để trả lời được các câu hỏi này, Ánh và các bạn sẽ cùng làm sáng tỏ các vấn đề được trình bày dưới các nội dung tại mục 2 và mục 3 của bài viết này.
2. So sánh hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động
Vì 02 loại hợp đồng thử việc và hợp đồng lao động này đều cùng nói về việc thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, nên để phân loại 2 hợp đồng này, Ánh nghĩ chúng ta nên thực hiện phân loại dựa trên nội dung của 02 hợp đồng.
-
Về nội dung của hợp đồng lao động:
Tại Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 quy định như sau:
Điều 23. Nội dung hợp đồng lao động
Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp;
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
c) Công việc và địa điểm làm việc;
d) Thời hạn của hợp đồng lao động;
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế;
k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.
-
Về nội dung của hợp đồng thử việc:
Theo điều 26 của bộ luật lao động số 10/2012/QH13 gồm các nội dung quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, g và h khoản 1 Điều 23 của Bộ luật số 10/2012/QH13, gồm có:
a) Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp.
b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động.
c) Công việc và địa điểm làm việc.
d) Thời hạn của hợp đồng lao động.
đ) Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động.
Vậy là, so với nội dung của hợp đồng lao động thì hợp đồng thử việc sẽ không phải có các nội dung: e) Chế độ nâng bậc, nâng lương. i) Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. |
Vì vậy. khi doanh nghiệp ký hợp đồng thử việc người sử dụng lao động, doanh nghiệp sẽ không phải thỏa thuận các nội dung về bảo hiểm xã hội trên hợp đồng thử việc. Từ đó, doanh nghiệp cũng không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc khi ký kết hợp đồng thử việc.
3. Thời gian của thử việc có nên đặt trong hợp đồng lao động không?
Theo hướng dẫn tại Công văn 2447/LĐTBXH-BHXH ngày 26/7/2011 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì “trong trường hợp, thời gian thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà hợp đồng lao động đó thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động và người lao động phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho cả thời gian thử việc. Mức tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.”
Vì vậy, nếu doanh nghiệp không ghi thời gian thử việc trong hợp đồng lao động thì doanh nghiệp sẽ không phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động trong thời gian thử việc.
Xem thêm:
Doanh nghiệp được ký hợp đồng thời vụ bao nhiêu lần
Một số lưu ý về kế toán tiền gửi ngân hàng