Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Hợp Đồng Gia Công Là Gì? Gồm Những Gì?

Hợp đồng gia công là một trong các loại hợp đồng phổ biến hiện nay, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khái niệm này đôi khi vẫn gây hiểu lầm và bối rối cho nhiều người. Vậy hợp đồng gia công là gì, và những yếu tố quan trọng nào cần được tập trung khi lập hợp đồng này?

1. Hợp đồng gia công là gì?

Hợp đồng gia công là một loại hợp đồng mà một tổ chức (bên đặt hàng) giao việc thực hiện một phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ cho một bên thứ ba (bên nhận gia công). Bên nhận gia công sẽ thực hiện công việc theo yêu cầu và các điều khoản được đề ra trong hợp đồng.

Vai trò: Hợp đồng gia công là giúp bên đặt hàng tối ưu hóa hoạt động sản xuất và dịch vụ mà không cần phải đầu tư quá nhiều vào cơ sở vật chất và nhân lực.

Mục đích của hợp đồng gia công là để đáp ứng nhu cầu sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ với chi phí thấp hơn và hiệu quả hơn so với việc thực hiện bởi chính bên đặt hàng.

Đặc điểm của hợp đồng gia công

– Hợp đồng gia công phân chia rõ ràng các công đoạn sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ mà bên nhận gia công sẽ thực hiện.

– Hợp đồng gia công đề cập đến các yêu cầu về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm cả tiêu chuẩn kỹ thuật và các tiêu chí đánh giá.

– Hợp đồng gia công cần xác định rõ thời gian bắt đầu và kết thúc của các công đoạn sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ, cũng như mốc thời gian cho các giai đoạn kiểm tra và bàn giao sản phẩm.

– Điều khoản về phương thức thanh toán và thời điểm thanh toán cũng được quy định rõ ràng trong hợp đồng gia công.

So với các loại hợp đồng khác như hợp đồng mua bán hay hợp đồng lao động, hợp đồng gia công có những điểm nổi bật sau:

– Hợp đồng gia công cho phép các bên tham gia linh hoạt thay đổi và điều chỉnh quy trình sản xuất hoặc dịch vụ theo nhu cầu thực tế.

– Bên đặt hàng có thể giảm thiểu chi phí về cơ sở vật chất và nhân lực bằng cách sử dụng dịch vụ của bên nhận gia công thay vì tự thực hiện.

– Hợp đồng gia công thường có các điều khoản rõ ràng về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, giúp đảm bảo sự hài lòng của khách hàng cuối cùng.

2. Các loại hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công có thể phân loại theo ngành nghề và mục đích sử dụng. Các loại phổ biến bao gồm hợp đồng gia công sản xuất, hợp đồng gia công dịch vụ, và hợp đồng gia công trong các ngành công nghiệp khác nhau như may mặc, cơ khí, và công nghệ thông tin.

Phân loại theo ngành nghề

2.1. Hợp đồng gia công trong ngành may mặc

Trong ngành may mặc, hợp đồng gia công thường xuyên được sử dụng để sản xuất các sản phẩm thời trang. Các công ty may mặc có thể giao việc may, cắt, hoàn thành sản phẩm cho các xưởng gia công chuyên nghiệp. Điều này giúp họ tập trung vào thiết kế và phân phối sản phẩm mà không cần đầu tư quá nhiều vào nhà máy sản xuất.

2.2. Hợp đồng gia công trong ngành cơ khí

Trong ngành cơ khí, hợp đồng gia công thường liên quan đến gia công cơ khí chính xác như gia công cắt, mài, tiện, hoặc gia công bề mặt. Các công ty cơ khí thường giao phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất các linh kiện máy móc cho các xưởng gia công có trang bị máy móc và kỹ thuật chuyên môn cao.

2.3. Hợp đồng gia công trong ngành công nghệ thông tin

Trong ngành công nghệ thông tin, hợp đồng gia công thường liên quan đến phát triển phần mềm, thiết kế website, quản lý hạ tầng mạng, và các dịch vụ IT khác.

Các công ty công nghệ thông tin có thể gia công phần mềm hoặc dịch vụ IT cho các doanh nghiệp khác, giúp họ tập trung vào nghiên cứu phát triển và chiến lược sản phẩm.

Phân loại theo hình thức hợp đồng

2.4. Hợp đồng gia công sản xuất

Hợp đồng gia công sản xuất là dạng phổ biến nhất, trong đó bên đặt hàng giao cho bên nhận gia công thực hiện toàn bộ hoặc một phần quá trình sản xuất sản phẩm. Điều này có thể bao gồm từ gia công nguyên vật liệu đến lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh.

2.5. Hợp đồng gia công dịch vụ

Hợp đồng gia công dịch vụ liên quan đến việc giao cho bên thứ ba thực hiện các dịch vụ cụ thể mà không yêu cầu sản phẩm vật lý. Ví dụ, dịch vụ bảo trì, quản lý hạ tầng IT, hoặc các dịch vụ tư vấn chuyên sâu.

3. Nội dung hợp đồng giao công gồm những gì?

3.1. Thông tin về các bên tham gia

Tên, địa chỉ, thông tin liên hệ:

  • Hợp đồng cần cung cấp đầy đủ thông tin về các bên tham gia, bao gồm tên và địa chỉ của bên đặt hàng và bên nhận gia công.
  • Thông tin liên hệ như số điện thoại, địa chỉ email, và thông tin liên lạc khác để việc trao đổi và liên hệ diễn ra thuận lợi.

3.2. Nội dung công việc gia công

Mô tả chi tiết công việc:

  • Hợp đồng cần cung cấp một mô tả chi tiết về các công đoạn hoặc các dịch vụ cụ thể mà bên nhận gia công sẽ thực hiện.
  • Nếu có, cần chỉ rõ các yêu cầu đặc biệt và tiêu chuẩn kỹ thuật mà bên nhận gia công phải tuân thủ.

Yêu cầu kỹ thuật và chất lượng:

  • Bao gồm các tiêu chuẩn chất lượng mà sản phẩm hoặc dịch vụ gia công phải đáp ứng.
  • Các yêu cầu kỹ thuật cụ thể như vật liệu sử dụng, kích thước, màu sắc, hoặc tính năng kỹ thuật khác cần được đề cập rõ trong hợp đồng.

3.3. Thời gian và tiến độ thực hiện

Thời gian bắt đầu và kết thúc:

  • Xác định thời gian chính xác khi bắt đầu và kết thúc các công đoạn sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ.
  • Ngày bắt đầu và ngày kết thúc phải được ghi rõ để đảm bảo tính chặt chẽ trong lịch trình làm việc.

Mốc tiến độ và kiểm tra:

  • Thiết lập các mốc tiến độ cụ thể cho từng giai đoạn công việc.
  • Điều này giúp đảm bảo rằng công việc được tiến hành đúng theo kế hoạch và có thể kiểm soát và đánh giá tiến độ thực hiện một cách hiệu quả.

3.4. Chi phí và thanh toán

Phương thức thanh toán:

  • Quy định rõ ràng về phương thức thanh toán, bao gồm số lượng thanh toán và thời điểm thanh toán cho từng khoản.
  • Các điều kiện và điều khoản về thanh toán cần được thống nhất từ trước để tránh tranh chấp sau này.

Điều khoản về chi phí phát sinh:

  • Điều khoản này xác định các trường hợp có thể phát sinh chi phí ngoài dự kiến và cách xử lý chi phí này.
  • Cần xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên đối với các chi phí phát sinh như vật tư, lao động thêm giờ,

3.5. Điều khoản bảo mật

Bảo mật thông tin:

  • Bao gồm các điều khoản về bảo mật thông tin của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
  • Các thông tin quan trọng như dữ liệu sản phẩm, quy trình sản xuất, hoặc thông tin khách hàng phải được bảo vệ một cách an toàn và bí mật.

Quy định về sở hữu trí tuệ:

  • Xác định rõ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, công nghệ, hoặc thiết kế được phát triển trong quá trình gia công.
  • Điều này bảo đảm rằng các bên sẽ không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhau.

3.6. Trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên

  • Trách nhiệm của bên gia công: Liệt kê rõ ràng các trách nhiệm mà bên nhận gia công phải thực hiện, bao gồm cả các cam kết về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ.
  • Trách nhiệm của bên đặt gia công: Định nghĩa các trách nhiệm mà bên đặt hàng phải thực hiện, bao gồm các nghĩa vụ về việc cung cấp thông tin, vật tư, và hỗ trợ cần thiết cho bên nhận gia công.

3.7. Điều khoản giải quyết tranh chấp

  • Phương thức giải quyết: Xác định phương thức giải quyết tranh chấp một cách chi tiết và rõ ràng, bao gồm các bước tiếp cận và quy trình giải quyết tranh chấp khi có mâu thuẫn phát sinh.
  • Cơ quan giải quyết tranh chấp: Chỉ định cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, nếu các bên không thể giải quyết vấn đề bằng các phương thức thương lượng thông thường.

4. Mẫu Hợp Đồng Gia Công Mới Nhất và Hướng dẫn Download

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

HỢP ĐỒNG GIA CÔNG

Số: …

Căn cứ Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015;

Căn cứ …

Căn cứ nhu cầu và khả năng thực tế của các bên trong hợp đồng;

Hôm nay, ngày … tháng … năm 2018, tại … chúng tôi gồm có:

Bên đặt gia công (sau đây gọi tắt là bên A):

Tên tổ chức: …

Địa chỉ trụ sở: …

Mã số doanh nghiệp: …

Người đại diện theo pháp luật là ông/ bà: …

Chức vụ: …

Điện thoại: …

Email: …

(Trường hợp bên đặt gia công là cá nhân thì được ghi như sau):

Bên đặt gia công (sau đây gọi tắt là bên A)

Họ và tên: …

Năm sinh: …/ …/ …

Chứng minh nhân dân số …, ngày cấp …/ …/ …, nơi cấp: …

Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú: …

Chỗ ở hiện tại: …

Điện thoại: …

Email: …

Bên nhận gia công (sau đây gọi tắt là bên B):

Tên tổ chưc: …

Địa chỉ trụ sở: …

Mã số doanh nghiệp: …

Người đại diện theo pháp luật là ông/ bà: …

Chức vụ: …

Điện thoại: …

Email: …

Hai bên thoả thuận và đồng ý ký kết hợp đồng gia công với các điều khoản như sau:

Điều 1. Đối tượng của hợp đồng  

Bên A thuê bên B gia công:

– Tên sản phẩm: …

– Số lượng: …

– Chất lượng: …

– Tiêu chuẩn kỹ thuật: …

(Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà cácbên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định).

Điều 2. Nguyên vật liệu

1. Bên A có trách nhiệm cung cấp cho bên B các nguyên vật liệu sau:

Tên nguyên vật liệu: …

Số lượng: …

Chất lượng: …

Thời gian cung cấp: …

Địa điểm giao nhận: …

2. Bên B có trách nhiệm cung cấp cho bên A các nguyên vật liệu sau:

Tên nguyên vật liệu: …

Số lượng: …

Chất lượng: …

Thời gian cung cấp: …

Địa điểm giao nhận: …

(Bên A và bên B thoả thuận các nội dung về cung cấp nguyên vật liệu và ghi cụ thể vào trong hợp đồng này).

Điều 3. Đơn giá gia công, phương thức thanh toán

Đơn giá gia công là: … đồng/ sản phẩm (Bằng chữ: …).

Tổng cộng tiền công gia công sản phẩm là: … đồng (Bằng chữ: …).

Phương thức thanh toán: …

Thanh toán đợt … hoặt toàn bộ tại thời điểm nhận sản phẩm là … đồng (Bằng chữ: …)

(Bên A và bên B thoả thuận các nội dung dung cụ thể và ghi vào trong hợp đồng này).

Điều 4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng

Hợp đồng này được thực hiện kể từ ngày … / …/ … đến ngày … / … / …

Thời hạn giao nhận sản phẩm (đợt 1) là ngày …/ …/ …, tại số nhà … đường …, phường …, quận … , thành phố … vào lúc … giờ … phút, ngày … tháng … năm …

Bên B phải giao sản phẩm và bên A phải nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận tại hợp đồng này.

Trường hợp bên B chậm giao sản phẩm thì bên A có thể gia hạn; nếu hết thời hạn đó mà bên B vẫn chưa hoàn thành công việc thì bên A có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Trường hợp bên A chậm nhận sản phẩm thì bên B có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên A. Nghĩa vụ giao sản phẩm hoàn thành khi đáp ứng được các điều kiện đã thỏa thuận tại hợp đồng này và bên A đã được thông báo. Bên A phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.

Bên A hoặc bên B đều có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng gia công, nếu việc tiếp tục thực hiện hợp đồng không mang lại lợi ích cho mình, nhưng phải báo cho bên kia biết trước một thời gian (hợp lý) là … ngày.

Bên A đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì phải trả tiền công tương ứng với công việc đã làm. Bên B đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thì không được trả tiền công.

Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng mà gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của bên A

1. Quyền của Bên A:

Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận tại hợp đồng này.

Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên B vi phạm nghiêm trọng hợp đồng này.

Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên A đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên B không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên A có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

(Bên A và bên B thoả thuận các quyền cụ thể khác và ghi vào trong hợp đồng này).

2. Nghĩa vụ của bên A:

Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên B; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công.

Chỉ dẫn cho bên B thực hiện hợp đồng này.

Trả tiền công theo đúng thỏa thuận.

(Bên A và bên B thoả thuận các nghĩa vụ cụ thể khác và ghi vào trong hợp đồng này).

Điều 6. Quyền, nghĩa vụ của bên B

1. Quyền của bên B:

Yêu cầu bên A giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận tại hợp đồng này.

Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên A trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên A.

Yêu cầu bên A trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận tại hợp đồng này.

(Bên A và bên B thoả thuận các quyền cụ thể khác và ghi vào trong hợp đồng này).

2. Nghĩa vụ của bên B:

Bảo quản nguyên vật liệu do bên A cung cấp.

Báo cho bên A biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.

Giao sản phẩm cho bên A đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận tại hợp đồng này.

Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên A cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên A.

Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên A sau khi hoàn thành hợp đồng này.

(Bên A và bên B thoả thuận các nghĩa vụ cụ thể khác và ghi vào trong hợp đồng này).

Điều 7. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng

Tiền lãi do chậm thanh toán: Trường hợp bên A không thực hiện đúng nghĩa vụ trả tiền thì phải trả lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả.

Bồi thường thiệt hại: Bên vi phạm nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật cho bên bị vi phạm (nếu có).

Phạt vi phạm hợp đồng: Bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền bằng … % giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm cho bên bị vi phạm.

Điều 8. Chi phí khác

Chi phí vận chuyển nguyên vật liệu là: … đồng, do bên … chịu trách nhiệm thanh toán.

Chi phí mua bảo hiểm hàng hoá là … đồng, do bên … chịu trách nhiệm thanh toán.

Chi phí … là … đồng, do bên … chịu trách nhiệm thanh toán.

(Bên A và bên A tự thoả thuận về nội dung các khoản chi phí khác và ghi cụ thể vào trong hợp đồng này).

Điều 9. Phương thực giải quyết tranh chấp

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có vấn đề phát sinh cần giải quyết, thì hai bên tiến hành thỏa thuận và thống nhất giải quyết kịp thời, hợp tình và hợp lý. Trường hợp không thỏa thuận được thì một trong các bên có quyền khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Các thoả thuận khác

Bên A và bên B đồng ý đã hiểu rõ quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của mình và hậu quả pháp lý của việc giao kết hợp đồng này.

Bên A và bên B đồng ý thực hiện theo đúng các điều khoản trong hợp đồng này và không nêu thêm điều kiện gì khác.

Hợp đồng này được lập thành … bản, mỗi bản gồm … trang, có giá trị pháp lý như nhau và được giao cho bên A … bản, bên B … bản./.

     BÊN A                                                                               BÊN B

(Chữ ký, họ tên và đóng dấu (nếu có))                       (Chữ ký, họ tên và đóng dấu (nếu có)

 

 

 

 

Những lưu ý khi sử dụng mẫu hợp đồng gia công

Kiểm tra và tùy chỉnh theo nhu cầu cụ thể: Trước khi sử dụng, hãy kiểm tra kỹ mẫu hợp đồng để đảm bảo nó phù hợp với điều khoản và yêu cầu của bạn. Tùy chỉnh các điều khoản theo nhu cầu cụ thể của dự án hay giao dịch mà bạn đang thực hiện.

Tham khảo ý kiến pháp lý nếu cần thiết: Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung hợp đồng hoặc các điều khoản pháp lý, hãy tham khảo ý kiến từ luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để đảm bảo tính chính xác và bảo vệ quyền lợi của mình.

Xem thêm:

Revolving L/C – Thư tín dụng tuần hoàn

Invoice là gì? Cách soạn invoice – hóa đơn thương mại như thế nào?

Hiệu Lực Thi Hành Của Thông Tư 24/2024 Hướng Dẫn Chế Độ Kế Toán Hành Chính Sự Nghiệp Mới Nhất (Thay Thế Thông Tư 107)