Một số hạch toán mua hàng thường gặp theo Thông tư 133. Hướng dẫn cách hạch toán các nghiệp vụ mua hàng trong nước. Hướng dẫn các nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu. Hướng dẫn hạch toán mua hàng của cá nhân không xuất hóa đơn
Kinh nghiệm kế toán
Kinh nghiệm kế toán

Hạch Toán Mua Hàng – Tài Khoản 611 Theo Quy Định Mới Nhất

I. Khái niệm hạch toán mua hàng là gì?

Hạch toán mua hàng là việc quan sát, đo lường, tính toán và ghi chép các hoạt động kinh doanh, mua bán trong doanh nghiệp để quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động liên quan đến sự biến động của dòng tiền, nguồn vốn và tài sản của doanh nghiệp.

II. Quy trình mua hàng chung

Quy trình mua hàng gồm các bước bắt buộc sau:

  1. Lập phiếu đề nghị mua hàng
  2. Lập bản báo giá
  3. Theo dõi báo giá của bên cung ứng
  4. Chốt giá mua
  5. Ký kết hợp đồng mua hàng
  6. Làm giấy tờ nhập và kiểm tra hàng hóa
  7. Nhập kho hàng
  8. Thanh toán

Hồ sơ, chứng từ mua hàng Trong mua hàng cần các hồ sơ gồm:

Sổ mua hàng, sổ nhập hàng, thẻ kho,… và các chứng từ gồm: hóa đơn, bản kê khai hàng hóa, phiếu nhập khophiếu chi,…

III. Những lưu ý quan trọng về chi phí mua hàng

Doanh nghiệp có thể sẽ phát sinh rất nhiều chi phí trong quá trình mua hàng. Kế toán cần xử lý các chi phí đó cho hợp lý. Dưới đây sẽ tổng hợp chi tiết cho các bạn các chi phí mua hàng doanh nghiệp có thể gặp và các yêu cầu, lưu ý về chi phí mua hàng.

1. Các khoản chi phí có thể có phát sinh trong quá trình mua hàng

  • Chi phí mua hàng theo hóa đơn
  • Chi phí các khoản thuế phải nộp (đối với hàng nhập khẩu): Thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường…(nếu có)
  • Chi phí phí, lệ phí khác: phí trước bạ, ….
  • Các chi phí khác trong quá trình mua hàng: vận chuyển, lưu kho, chi phí cho nhân viên mua hàng…

2. Những lưu ý về chi phí mua hàng

a. Nguyên tắc hạch toán chi phí mua hàng

Tất cả các chi phí mua hàng đều được hạch toán vào giá gốc hàng mua. Trong trường hợp chi phí mua hàng có liên quan đến nhiều loại hàng mua, thì kế toán phải phân bổ chi phí đó theo những tiêu thức phù hợp (có thể theo số lượng hoặc trọng lượng). VD: chi phí vận chuyển:…

b. Điều kiện để chi phí mua hàng được tính là chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp

Về nội dung chi phí: Phải phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Về chứng từ:

– Các khoản chi phí mua hàng phải có hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định

  • Những chi phí trên 20 triệu đồng phải được thanh toán qua ngân hàng.
  • Đối với hàng nhập khẩu: Có tờ khai hải quan, Giấy nộp tiền
  • Đối với các loại thuế, phí, lệ phí trong quá trình mua hàng: có giấy nộp tiền vào NSNN

Tất cả các chi phí mua hàng mà doanh nghiệp phải trả được tính vào giá gốc của hàng nhập kho.

Các chi phí mua hàng có hóa đơn GTGT hợp pháp, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sẽ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Đối với chi phí vận chuyển, lưu kho, chi phí cho nhân viên giao hàng…liên quan đến nhiều hóa đơn mua hàng cần được phân bổ cho từng hóa đơn theo quy định.

IV. Nguyên tắc kế toán khi hạch toán mua hàng

1. Nguyên tắc kế toán

Theo nguyên tắc giá gốc, giá trị vật liệu, công cụ, hàng hóa mua vào được hạch toán vào tài khoản 611 – mua hàng. Nếu sử dụng phương pháp kiểm kê định kỳ để hạch toán mua hàng thì doanh nghiệp cần thực hiện kiểm kê cuối kỳ, xác định số lượng, giá trị nguyên vật liệu, sản phẩm, công cụ dụng cụ tồn kho, xác định giá trị trong kỳ hiện tại.

Khi mua nguyên vật liệu, dụng cụ, hàng hóa thì hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ căn cứ vào hóa đơn mua hàng, phiếu nhập kho và thuế nhập khẩu (nếu có). Mục đích việc ghi giá gốc hàng mua vào tài khoản 611 để khi sử dụng chỉ cần ghi vào cuối kỳ kế toán.

2. Nội dung và kết cấu của tài khoản 611

Tài khoản 611 dùng để phản ánh trị giá của nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ, hàng mua, hàng nhập, hàng đưa vào sử dụng trong kỳ. Đối với tài khoản này, chỉ áp dụng cho các công ty thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

Bên Nợ:

  • Theo kết quả kiểm kê, hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ được phân bổ đầu kỳ
  • Giá gốc của hàng hoá mua trong kỳ

Bên Có:

  • Cuối kỳ, kết chuyển giá gốc của hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ dụng cụ đã mua theo kết quả kiểm kê
  • Giá vốn hàng hóa, nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng trong kỳ hiện tại hoặc giá vốn của hàng hóa đã bán nhưng chưa được xác định là đã bán trong kỳ hiện tại
  • Vật liệu, dụng cụ, hàng hóa đã mua được trả lại cho người bán theo nguyên giá hoặc giảm giá
  • Số dư cuối kỳ: Không có

TK 611 có hai TK cấp 2 đi kèm:

– TK 6111: Phản ánh giá trị của hàng hóa đã mua

– TK 6112: Phản ánh giá trị hàng hóa mua và bán trong kỳ hiện tại, chuyển sang kiểm kê đầu kỳ và kiểm kê cuối kỳ

3. Sơ đồ chữ T tài khoản mua hàng 611

TK 611 mua hàng có sơ đồ chữ T như hình dưới đây:

 

Sơ đồ chữ T tài khoản 611

 

V. Một số hạch toán mua hàng thường gặp theo Thông tư 200

– Thuế GTGT đầu vào được giảm trừ khi doanh nghiệp mua hàng được căn cứ theo hóa đơn:

Nợ TK 1562 – Chi phí mua hàng không ghi thuế GTGT trong hóa đơn

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được giảm trừ trong hóa đơn

Có TK 111, TK 112, TK 141, TK 331

– Thuế GTGT đầu vào không được giảm trừ khi doanh nghiệp mua hàng được căn cứ theo hóa đơn:

Nợ TK 1562 – Chi phí mua hàng có thuế GTGT trong hóa đơn

Có TK 111, TK 112, TK 141, TK 331

VI. Một số hạch toán mua hàng thường gặp theo Thông tư 133

– Thuế GTGT đầu vào được giảm trừ khi doanh nghiệp mua hàng được căn cứ theo hóa đơn:

Nợ TK 156 – Chi phí mua hàng không ghi thuế GTGT trong hóa đơn

Nợ TK 1331 – Thuế GTGT được giảm trừ trong hóa đơn

Có TK 111, TK 112, TK 141, TK 331

– Thuế GTGT đầu vào không được giảm trừ khi doanh nghiệp mua hàng được căn cứ theo hóa đơn:

Nợ TK 156 – Chi phí mua hàng có thuế GTGT trong hóa đơn

Có TK 111, TK 112, TK 141, TK 331

VII. Hướng dẫn cách hạch toán các nghiệp vụ mua hàng trong nước

Cách hạch toán các nghiệp vụ mua hàng trong nước diễn ra thường xuyên trong doanh nghiệp. Kế toán cần nắm vững quy trình mua hàng cũng như cách hạch toán các nghiệp vụ này.

1. Quy trình mua hàng trong nước

– Căn cứ vào hợp đồng mua hàng, nhà cung cấp thực hiện giao hàng theo yêu cầu của hợp đồng

– Hàng về đến kho, Kế toán kho nhận hóa đơn chứng từ và viết Phiếu nhập kho chuyển kế toán trưởng ký

– Căn cứ vào phiếu nhập kho, thủ kho kiểm, nhận hàng và ký vào phiếu nhập kho, sau đó ghi sổ kho.  Kế toán ghi sổ kế toán kho.

– Kế toán dựa vào hóa đơn hạch toán thuế và kê khai hóa đơn đầu vào.

– Nếu thanh toán ngay với nhà cung cấp, kế toán thanh toán làm thủ tục thanh toán cho nhà cung cấp.

– Nếu chưa thanh toán ngay, kế toán mua hàng hạch toán công nợ với nhà cung cấp.

Quy trình mua hàng

2. Hóa đơn, chứng từ

– Hợp đồng mua bán

– Hoá đơn mua hàng (GTGT)

– Phiếu xuất kho của bên bán

– Biên bản giao nhận hàng hóa

– Phiếu nhập kho

– Các chứng từ thanh toán 

Xem thêm: Hướng dẫn tổ chức chứng từ thanh toán trong doanh nghiệp

3. Cách định khoản nghiệp vụ mua hàng trong nước

a. Hàng và hóa đơn cùng về

– Mua hàng về nhập kho

Nợ TK 152, 156, 611… (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331… (Tổng giá thanh toán)

– Mua hàng sử dụng ngay vào sản xuất kinh doanh không qua kho

Nợ TK 621, 623, 627, 641… (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)

Có TK 111, 112, 331… (Tổng giá thanh toán)

b. Hàng về trước, hóa đơn về sau

Trên lý thuyết, khi hàng về chưa có hóa đơn, các bạn sẽ thực hiện như sau:

– Khi hàng về, kế toán sẽ ghi giá trị hàng nhập kho theo giá ước tính

Nợ TK 152, 153,…: Giá ước tính

Có TK 331: Giá ước tính

– Khi nhận được hóa đơn: Ghi bút toán đỏ để xóa bút toán đã ghi rồi ghi lại bằng bút toán bình thường

Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Ghi bút toán đỏ:

(Nợ TK 152. 153….

         Có TK 331…)

Ghi lại bút toán nhập hàng:

Nợ TK 152, 153… – Giá mua chưa có thuế

Nợ TK 133 (1331) – Thuế GTGT được khấu trừ

          Có TK 111, 112, 331, … – Tổng giá thanh toán

Ghi bút toán đỏ:

(Nợ TK 152. 153….

         Có TK 331…)

Ghi lại bút toán nhập hàng:

Nợ TK 152, 153… – Tổng giá mua

            Có TK 111, 112, 331, … – Tổng giá thanh toán

Xem thêm: 

Tuy nhiên, thực tế, khi hàng về trước, hóa đơn về sau, các bạn có thể gọi điện cho nhà cung cấp để hỏi giá hàng nhập, làm cơ sở tính giá cho hàng nhập kho. Đồng thời hẹn nhà cung cấp thời điểm lấy được hóa đơn.

– Sau đó các bạn hạch toán nhập kho theo số lượng thực nhập:

Nợ TK 152, 153…

Có TK 331

– Khi nhận được hóa đơn, các bạn hạch toán bổ sung phần thuế GTGT:

Nợ TK 133

Có TK 331

c. Hóa đơn về trước, hàng về sau:

– Khi nhận được hóa đơn:

Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Nợ TK 151 – Giá mua chưa có thuế

Nợ TK 133 (1331) – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 111, 112, 331, … – Tổng giá thanh toán

Nợ TK 151 – Tổng giá thanh toán

Có TK 111, 112, 331,… – Tổng giá thanh toán

d. Số lượng hàng nhập kho thiếu so với số lượng trên hóa đơn

*Ghi nhận số hàng thực nhận:

Nợ TK 152, 156, … : Số thực nhận

Nợ TK 1331: Theo hóa đơn

Nợ TK 1381: Số hàng thiếu

Có TK 111, 112, 331…: Theo hóa đơn

*Xử lý số hàng thiếu

– Không rõ lý do:

Nợ TK 1388 : Thiếu chờ xử lý

Nợ TK 334 : Trừ lương nhân viên làm thiếu

Nợ TK 881: Chi phí khác

Có TK 1381

– Nguyên nhân do người bán giao thiếu

Khi người bán giao thêm:

Nợ TK 152, 153, 156… : Số thiếu

Có TK 1381

Người bán không giao thêm hàng, quyết định trừ tiền:

Nợ TK 331,111, 112

Có TK 1381

Có TK 133

e. Số lượng hàng nhập kho thừa so với số lượng trên hóa đơn

*Ghi nhận số hàng thực nhận:

Nợ TK 152, 156, … : Số thực nhận

Nợ TK 1331: Theo hóa đơn

Có TK 1381: Số hàng thừa

Có TK 111, 112, 331…: Theo hóa đơn

*Xử lý số hàng thừa

– Không rõ lý do:

Nợ TK 3381 : Thiếu chờ xử lý

Có TK 711

– Trả lại người bán

Nợ TK 3381 : Số thiếu

Có TK 152, 153, 156…

– Mua thêm

Nợ TK 3381

Nợ TK 1331

Có TK 331

VIII. Hướng dẫn các nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu

Mua hàng nhập khẩu diễn ra ngày càng phổ biến trong bối cảnh kinh tế xã hội hội nhập hiện nay. Kế toán cần nắm chắc cách hạch toán các nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu. Dưới đây Kế toán Lê Ánh sẽ hướng dẫn chi tiết các bạn cách hạch toán các nghiệp vụ mua hàng nhập khẩu.

1. Quy trình mua hàng nhập khẩu

– Khi hàng về đến cảng, nhân viên mua hàng sẽ lập tờ khai hải quan và xuất trình các giấy tờ liên quan (tờ khai, hợp đồng, vận đơn, hóa đơn vận chuyển…)

– Hải quan kiểm hóa và xác định thuế phải nộp.

– Khi cán bộ hải quan cho thông quan hàng hóa, nhân viên mua hàng nhận hàng hóa tại cảng và vận chuyển hàng về kho của công ty (tự vận chuyển hoặc thuê ngoài)

– Khi hàng hóa về đến kho của công ty, Kế toán nhận hóa đơn chứng từ từ nhân viên mua hàng và lập Phiếu nhập kho

– Thủ kho kiểm, nhận hàng và ký vào phiếu nhập kho sau đó ghi sổ kho

– Kế toán mua hàng hạch toán thuế và kê khai hóa đơn đầu vào.

– Hoàn thành các thủ tục thanh toán với nhà cung cấp

2. Hóa đơn chứng từ mua hàng nhập khẩu

– Hợp đồng uỷ thác nhập khẩu (Nếu qua đơn vị nhập khẩu ủy thác)

– Hợp đồng nhập khẩu hàng hoá

– Hóa đơn thương mại (Invoice) do người bán xuất

– Tờ khai hải quan hàng nhập khẩu

– Biên lai thuế GTGT hàng nhập khẩu.

– Chứng từ thu thuế hàng nhập khẩu.

– L/C

3. Định khoản mua hàng nhập khẩu

Lưu ý: Theo Điều 21, khoản 3, nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định:

Tỷ giá giữa đồng Việt Nam với đồng tiền nước ngoài dùng để xác định trị giá tính thuế là tỷ giá ngoại tệ mua vào theo hình thức chuyển khoản của Hội sở chính Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại thời điểm cuối ngày của ngày thứ năm tuần trước liền kề hoặc là tỷ giá cuối ngày của ngày làm việc liền trước ngày thứ năm trong trường hợp ngày thứ năm là ngày lễ, ngày nghỉ.

a. Hạch toán giá trị hàng nhập khẩu:

– Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Nợ TK 152, 156, 611…: Giá bao gồm thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế bảo vệ môi trường.

Có TK 111, 112, 331…: Theo tỷ giá bán ra

Có TK 3333: Thuế nhập khẩu

Có TK 3332: Thuế tiêu thụ đặc biệt (Nếu có)

Có TK 3338: Thuế bảo vệ môi trường (Nếu có)

Đồng thời phản ánh thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ

Nợ TK 133: Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 3331: Thuế GTGT phải nộp

– Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp hoặc dùng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT

Nợ TK 152, 156, 611…: Giá đã có tất cả các loại thuế

Có TK 111, 112, 331: Theo tỷ giá bán ra

Có TK 3333: Thuế nhập khẩu

Có TK 3332: Thuế tiêu thụ đặc biệt (Nếu có)

Có TK 3338: Thuế bảo vệ môi trường (Nếu có)

b. Nếu phát sinh các chi phí khác như chi phí lưu kho, chi phí vận chuyển:

– Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

Nợ TK 152, 156, 611…

Nợ TK 133

Có TK 111, 112, 331…

– Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

Nợ TK 133

Có TK 111, 112, 331…

IX. Hướng dẫn hạch toán mua hàng của cá nhân không xuất hóa đơn

Doanh nghiệp mua hàng hóa của cá nhân, không kinh doanh xuất sẽ không có hóa đơn thì doanh nghiệp làm thế nào để được tính vào chi phí hợp lý khi quyết toán thuế TNDN. Kế toán Lê Ánh xin gửi đến bạn cách hạch toán và hợp thức chi phí phí mua hàng trong nội dung dưới đây

1. Trường hợp doanh nghiệp mua hàng của cá nhân không có hóa đơn

Các trường hợp doanh nghiệp mua hàng áp dụng với những trường hợp sau:

– Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa đăc thù là nông, thủy hải sản do cá nhân trực tiếp sản xuất đánh bắt tạo ra.

– Các sản phẩm mua được từ sản phẩm thủ công làm bằng vật liệu: Đay, mây, tre, cói, rơm….hoặc những nguyên vật liệu tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp của cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất tạo ra.

– Doanh nghiệp mua nguyên vật liệu do người lao động trực tiếp thu nhặt được

– Doanh nghiệp mua đồ dùng, vật liệu và tài sản của hộ gia đình và cá nhân không trực tiếp kinh doanh sản phẩm bán ra.

– Doanh nghiệp mua hàng hóa và dich vụ từ hộ gia đình và cá nhân kinh doanh có mức doanh thu thấp hơn 100 triệu đồng/ năm.

⇒ Các trường hợp doanh nghiệp mua hàng của các không phải đăng ký kinh doanh chưa xuất được hóa đơn thì muốn được tính vào chi phí hợp lý doanh nghiệp cần hoàn thiện bộ hồ sơ mua bán với cá nhân gồm:
– Căn cứ pháp lý dự vào khoản 2.4 điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 6/8/2015 một bộ hồ sơ chứng từ hợp thức hóa chi phí hợp lý tại doanh nghiệp gồm:

– Hợp đồng và chứng từ mua bán, thanh lý hàng hóa

– Chứng từ thể hiện mối quan hệ mua bán: Gồm tiền mặt, đặt cọc hoặc chuyển khoản đều được chấp nhận vì không có hóa đơn.

– Lập biên bản bàn giao hàng hóa dịch vụ hàng hóa

– Bảng kê hàng mua vào áp dụng với loại hàng không có hóa đơn theo mẫu 01/TNDN (áp dụng theo TTsố 78/2014/TT-BTC).

2. Đối với chi phí mua hàng hóa doanh nghiệp và chi phí dịch vụ của cá nhân không lập được hóa đơn thì sẽ được lập hóa đơn gồm bảng kế thu mua hàng hóa dịch vụ theo mẫu 01/TNDN dựa vào TT 78/2014/TT-BTC)

Lưu ý: Bảng kê thu mua hàng hóa mua vào sẽ không được lập cho người bán hàng, cung cấp dịch vụ trong các trường hợp sau:
  • Nếu hàng hóa mua bán là nông, lâm và thủy hải sản do người sản xuất trực tiếp đánh bắt và bán hàng.
  • Doanh nghiệp mua những sản phẩm thủ công làm băng nông sản gồm: đay, cói, tre,vỏ dừa, sọ dừa….hoặc những nguyên vật liệu được tận dụng từ sản phẩm nông nghiệp do người sản xuất thủ công không trực tiếp kinh doanh hoặc bán sản phẩm có hóa đơn.
  • Doanh nghiệp mua đất, cát, đá sỏi và vật liệu xây dựng do hộ cá nhân trực tiếp sản xuât và bán sản phẩm
  • Các sản phẩm phế liệu của cá nhân trực tiếp thu nhặt sản được
  • Doanh nghiệp mua tài sản và dịch vụ tổ chức và cá nhân của hộ gia đình không trực tiếp bán sản phẩm
  • Hàng hóa và dịch vụ của cá nhân tổ, chức và hộ kinh doanh không gồm những hàng hóa dich vụ có doanh thu đạt được dưới 100 triệu đống/ năm.

Chú ý: Những trường hợp áp dụng với bảng kê thu mua hàng hóa, vật liệu và dịch vụ do người đại diện theo pháp luật hoặc trường hợp được ủy quyền đại diện của doanh nghiệp ký và trực tiếp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hóa đơn chứng từ đó.

+ Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa và dịch vụ được lập bảng kê và tính vào chi phí được trừ hợp lý, hợp lệ.

+ Quy định với những khoản thu này bắt buộc phải sử dụng chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt khi giao dịch.

+ Trong thời điểm hàng hóa dùng để mua hàng và báo giá dịch vụ dựa trên bảng kê khai hóa đơn trong thời điểm cao hơn giá thị trường ở thời điểm mua hàng cơ quan thuế sẽ dựa vào giá thị trường tại thời điểm mua hàng, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự trên thị trường hiện tại để tính lại giá tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

**Lưu ý khi hạch toán với hàng mua không có hóa đơn: Doanh nghiệp lập bảng kê bán hàng phải do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc những người được ủy quyền ký trên hợp đồng trực tiếp ký trên chứng từ phải chịu trách nhiệm.

– Đối với giá mua hàng thực hiện trên bảng kê phải tính theo giá tương tự trên thị trường tính giá mua hàng trong giao dịch trên bảng kê phải thực hiện đầy đủ nghiệp vụ khi tính giá trên thị trường không được quá cao( Trường hợp chi phí cao hơn mức độ cho phép sẽ bị loại khi quyết toán).

– Trường hợp doanh nghiệp khi thanh toán chưa lập được bảng kê theo mẫu 01/TNDN thì sẽ phải lập bảng kê bổ sung trước khi tiến hành thanh tra thuế DN nếu không sẽ bị loại trừ toàn bộ chi phí đầu vào không được tính là chi phí hợp lý: Các trường hợp có thể xảy ra như sau:

1. Doanh nghiệp bị giảm lỗ

2. Bị truy thu thuế TNDN khi kết toán

+ Hoặc sẽ hạch toán và kế toán như bình thường

Hồ sơ chứng từ khi hạch toán hợp đồng mua hàng của cá nhân không có hóa đơn, chứng từ

– Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa cá nhân với tổ chức

– Chứng từ hóa đơn thanh toán trong giao dịch: Vì giao dịch không sử dụng hóa đơn nên có thể chuyển khoản, đăt cọc hoặc sử dụng tiền măt đều được

– Biên bản bàn giao hàng hóa, dịch vụ giữa người bán và người mua

– Bảng kê hàng hóa và dịch vụ mua vào theo mẫu 01/TNDN (ban hành kèm theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC).

– Phiếu nhập kho mua hàng

Hạch toán khi mua hàng hóa của cá nhân hộ gia đình không có hóa đơn nên hạch toán như sau:

+ Khi mua hàng của cá nhân:

Nợ TK 152, 155, 156

Có TK 1111, 331

+ Doanh nghiệp xuất để dùng sản xuất:

Nợ TK 621

Có TK 152, 155, 156

+ Trường hợp mua hàng về dùng xuất thằng không qua lưu kho:

Nợ TK 621

Có TK 1111, 331

X. Bài tập minh họa hạch toán mua hàng chi tiết nhất

Vào ngày 01/11/2022, doanh nghiệp Hào Nam đã mua 2 tấn vải với giá tiền chưa tính thuế là 400.000.000 đồng, thuế GTGT được giảm trừ là 40.000.000 đồng. Trong đó có chi phí vận chuyển vải về kho của doanh nghiệp là 10.000.000 đồng (VAT 10%) đã thanh toán bằng hình thức chuyển khoản.

Yêu cầu hạch toán nghiệp vụ mua hàng trên.

Giải

– Mua hàng hóa (2 tấn vải):

Nợ TK 156: 400.000.000

Nợ TK 1331: 40.000.000

Có TK 112: 440.000.000

– Theo hóa đơn mua hàng:

Nợ TK 156: 10.000.000 (Theo thông tư 133)

Nợ TK 1562: 10.000.000 (Theo thông tư 200)

Nợ TK 1331: 1.000.000

Có TK 111: 11.000.000