Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung quy định Về ưu đãi thuế TNDN
Dịch vụ kế toán
Dịch vụ kế toán

Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung quy định Về ưu đãi thuế TNDN

Ngày 04/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 57/2021/NĐ-CP bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định 218/2013/NĐ-CP về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Theo đó, bổ sung đối tượng doanh nghiệp được ưu đãi thuế TNDN khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01/01/2015.

– Đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo Luật sửa đổi các luật về thuế 2014.

– Được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Trước đó, Chính phủ đã có Nghị định 12/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 218/2013/NĐ-CP nhưng không quy định chuyển tiếp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được cấp phép và hoạt động trước ngày 01/01/2015.

Do đó, Nghị định 57/2021/NĐ-CP được ban hành để giải quyết ưu đãi đầu tư về thuế TNDN đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hoạt động trước ngày 01/01/2015 đúng quy định của pháp luật.

Nghị định 57/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 04/6/2021

>> Tham khảo: Luật Doanh nghiệp 2014, số 68/2014/QH13

Quy trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn đăng ký doanh nghiệp

Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản

NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH 57/2021/NĐ-CP

CHÍNH PHỦ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 57/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 2021

 

NGHỊ ĐỊNH

BỔ SUNG ĐIỂM G KHOẢN 2 ĐIỀU 20 NGHỊ ĐỊNH SỐ 218/2013/NĐ-CP (ĐÃ ĐƯỢC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG TẠI NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/2015/NĐ-CP) VỀ ƯU ĐÃI THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI DỰ ÁN SẢN XUẤT SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Điều 1. Bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ như sau:

“g) Doanh nghiệp có dự án đầu tư (đầu tư mới và đầu tư mở rộng) sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, thực hiện trước ngày 01 tháng 01 năm 2015, đáp ứng các điều kiện của dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

g1) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g2) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đã hưởng hết ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g3) Trường hợp doanh nghiệp có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ mà thu nhập từ dự án này đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện ưu đãi khác (ngoài điều kiện ưu đãi đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ) thì được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

g4) Cách xác định thời gian ưu đãi còn lại nêu tại điểm g2 và g3 điểm này:

Thời gian ưu đãi còn lại được xác định bằng thời gian ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi số năm miễn thuế, số năm giảm thuế, số năm hưởng thuế suất ưu đãi đã được hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác, cụ thể như sau:

– Thời gian miễn thuế còn lại bằng thời gian miễn thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian miễn thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác;

– Thời gian giảm thuế còn lại bằng thời gian giảm thuế theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ di thời gian giảm thuế đã hưởng ưu đãi theo điều kiện ưu đãi khác;

– Thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi còn lại bằng thời gian ưu đãi thuế suất theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trừ đi thời gian ưu đãi thuế suất đã hưởng theo điều kiện ưu đãi khác (nếu có).

g5) Các ví dụ cụ thể:

Ví dụ 1: Năm 2010, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mở rộng tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn ưu đãi thuế. Trong kỳ tính thuế năm 2011, dự án phát sinh doanh thu và thu nhập chịu thuế. Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2016, thu nhập từ dự án chưa được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong kỳ tính thuế năm 2017, dự án được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, dự án được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ theo quy định tại Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành kể từ kỳ tính thuế năm 2017. Thời gian ưu đãi được hưởng được xác định như sau: miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 04 năm tính từ kỳ tính thuế năm 2017 đến năm 2020, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 09 năm tiếp theo tính từ kỳ tính thuế năm 2021.

Ví dụ 2: Năm 2010, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn Khu công nghiệp (không thuộc địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và đô thị loại I trực thuộc tỉnh, các quận, đô thị này không bao gồm các quận của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh mới được thành lập từ huyện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009). Trong kỳ tính thuế năm 2011, dự án phát sinh doanh thu. Trong kỳ tính thuế năm 2012, dự án phát sinh thu nhập chịu thuế. Trong kỳ tính thuế năm 2015, dự án được hưởng ưu đãi theo điều kiện địa bàn khu công nghiệp theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thời gian còn lại từ năm 2015 (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 04 năm tiếp theo cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2015). Như vậy doanh nghiệp còn được giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 3 năm (từ năm 2015 đến năm 2017). Đến hết kỳ tính thuế năm 2017, dự án đã hưởng hết ưu đãi theo điều kiện địa bàn khu công nghiệp.

Trong kỳ tính thuế năm 2018, dự án được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, dự án được lựa chọn hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2018. Thời gian ưu đãi còn lại được xác định như sau: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời hạn 15 năm kể từ kỳ tính thuế năm 2018; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm kể từ kỳ tính thuế năm 2018, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 05 năm tiếp theo.

Ví dụ 3: Năm 2014, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Trong kỳ tính thuế năm 2014, dự án phát sinh doanh thu. Trong kỳ tính thuế năm 2015, dự án phát sinh thu nhập chịu thuế. Dự án được hưởng ưu đãi theo điều kiện địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, cụ thể: thuế suất 20% trong thời gian 10 năm tính từ kỳ tính thuế năm 2014 (kể từ kỳ tính thuế 2016 áp dụng thuế suất 17%); miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm tính từ kỳ tính thuế 2015, giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo. Tính đến hết kỳ tính thuế năm 2017, dự án đã hưởng ưu đãi: số năm thuế suất ưu đãi 04 năm, số năm miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm, số năm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp 01 năm.

Trong kỳ tính thuế năm 2018, dự án được cấp Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, dự án được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo điều kiện dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho thời gian còn lại kể từ kỳ tính thuế năm 2018. Thời gian ưu đãi còn lại được xác định như sau: thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 11 năm kể từ kỳ tính thuế năm 2018; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 02 năm tính từ kỳ tính thuế năm 2018, giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 08 năm tiếp theo.”

Điều 2. Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành

  1. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
  2. Trường hợp thực hiện theo quy định tại Nghị định này (kể cả trường hợp cơ quan có thẩm quyền dã thực hiện thanh tra, kiểm tra) dẫn đến giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền chậm nộp (nếu có) thì người nộp thuế có văn bản đề nghị gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp điều chỉnh giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp đã thực hiện kê khai hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra và tiền chậm nộp tương ứng (nếu có). Sau khi điều chỉnh giảm mà có số tiền thuế, tiền chậm nộp nộp thừa thì thực hiện theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
  3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán nhà nước;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Ngân hàng Chính sách xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu: VT, KTTH (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

Lê Minh Khái