Ít ai biết: Lao động nữ nuôi con nhỏ có thể được về sớm đến 2 tiếng
Là một trong những quyền lợi quan trọng nhưng vẫn còn nhiều người lao động chưa biết đến chế độ thai sản về sớm 2 tiếng. Vậy chế độ này được dành cho ai? Người lao động đi muộn, về sớm hai tiếng thì tiền lương được tính thế nào?
1. Chế độ thai sản về sớm 2 tiếng: Ai được hưởng?
Căn cứ Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019, người được hưởng chế độ thai sản về sớm 2 tiếng là người lao động nuôi con dưới 12 tháng tuổi đang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai.
Bởi những người này được hưởng đồng thời 02 quyền lợi sau:
(1) Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết thì được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (theo khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019).
(2) Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc (theo khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019). Thời gian làm việc này giảm bớt trong trường hợp này để lao động nữ cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi.
Về thời điểm nghỉ 02 tiếng mỗi ngày trong trường hợp kể trên, pháp luật không có quy định cụ thể. Do đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể tự do thỏa thuận về thời điểm nghỉ.
Chính vì vậy, để tận dụng quyền lợi, lao động nữ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để về sớm 02 tiếng mỗi ngày cho đến khi con tròn 01 tuổi.
2. Lao động nữ về sớm 2 tiếng có bị trừ lương không?
Theo Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 và khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, lao động nữ hưởng chế độ thai sản về sớm 2 tiếng sẽ không bị trừ lương.
Đối với trường hợp nghỉ khi nuôi con dưới 12 tuổi để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi, khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã nêu rõ, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Do vậy, khi gộp cả 02 quyền lợi để về sớm 02 tiếng mỗi ngày, lao động nữ nuôi con nhỏ vẫn được nhận đủ lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động.
3. Lao động nữ không nghỉ được tính lương thế nào?
Hiện nay, nếu lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để cho làm việc thì người này có thể tiếp tục làm việc để gia tăng thu nhập.
Theo điểm c khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP và mục 1 Phần I của Công văn số 308/CV-PC năm 2023 của Vụ Pháp chế thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nếu không nghỉ chế độ thai sản về sớm 02 tiếng thì ngoài tiền lương tương ứng với ngày làm việc đó, lao động nữ còn được trả thêm tiền lương theo công việc mà người đó đã làm trong thời gian được nghỉ.
Khoản tiền lương được hưởng khi làm thêm trong thời gian nghỉ được xác định như sau:
Tiền lương trả thêm |
= |
Tiền lương theo công việc của ngày làm việc đó |
: |
Tống số giờ làm việc bình thường |
x |
02 giờ |
x |
Số ngày không nghỉ |
4. Không cho lao động nữ về sớm 2 tiếng, công ty có bị phạt?
Người sử dụng lao động có nghĩa vụ thực hiện quy định của pháp luật về lao động để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động.
Do đó, nếu không đảm bảo quyền lợi về sớm 02 tiếng cho người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị phạt đồng thời 02 lỗi sau đây:
(1) Không giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động, trừ có thỏa thuận khác: Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo điểm c khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
(2) Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ có thỏa thuận khác: Phạt từ 10 đến 20 triệu đồng theo điểm đ khoản 2 Điều 28 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Tổng hợp mức phạt cho các lỗi vi phạm kể trên, người sử dụng lao động có thể bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng.