Bị sảy thai có được hưởng bảo hiểm y tế không?
Lao động nữ không may bị sẩy thai có được hưởng bảo hiểm y tế không? Nếu có cùng thắc mắc về vấn đề trên, bạn đọc không nên bỏ qua bài viết dưới đây.
1. Sảy thai có được hưởng bảo hiểm y tế không?
Sảy thai được hiểu là hiện tượng thai bị mất một cách tự nhiên trước tuần thứ 20. Nguyên nhân dẫn đến sảy thai chủ yếu do bất thường nhiễm sắc thể chứ không phải do lỗi của người mẹ.
Do đó, trường hợp sảy thai không bị liệt vào một trong các trường hợp không được bảo hiểm y tế quy định tại Điều 23 Luật Bảo hiểm y tế là “sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai”.
Chính vì vậy, nếu cần phải điều trị tại các cơ sở y tế, người bị sảy thai sẽ được thanh toán quyền lợi bảo hiểm y tế.
Lưu ý, điều kiện để được hưởng bảo hiểm y tế là người bị sảy thai phải đang tham gia loại bảo hiểm này.
Căn cứ Điều 21 Luật Bảo hiểm y tế, khi tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả các chi phí khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con; vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên khi cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật (chỉ áp dụng với một số đối tượng đặc biệt).
Mức thanh toán các chi phí trên phụ thuộc vào mức hưởng của từng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
2. Người bị sảy thai được thanh toán % bảo hiểm y tế?
Căn cứ Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế hiện hành, người tham gia bảo hiểm y tế nếu không may bị sảy thai, cần phải điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo mức sau:
– Điều trị đúng tuyến:
- Được hưởng 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng; người tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục mà số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở,…
- Được hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ cận nghèo…
- Được hưởng 80% chi phí khám, chữa bệnh áp dụng cho những trường hợp còn lại.
– Điều trị trái tuyến:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương: Được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng đúng tuyến.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh: Được thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú theo mức hưởng đúng tuyến.
- Tại bệnh viện tuyến huyện: Được thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh theo mức hưởng đúng tuyến.
3. Sảy thai được nghỉ làm bao nhiêu ngày?
Hiện nay, pháp luật chỉ giới hạn thời gian nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi sảy thai theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Theo trường hợp sảy thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian nghỉ do bác sĩ chỉ định nhưng không vượt quá số ngày sau đây:
– Nghỉ 10 ngày: Thai dưới 05 tuần tuổi.
– Nghỉ 20 ngày: Thai từ 05 – dưới 13 tuần tuổi.
– Nghỉ 40 ngày: Thai từ 13 – dưới 25 tuần tuổi.
– Nghỉ 50 ngày: Thai từ 25 tuần tuổi trở lên.
Thời gian nghỉ kể trên tính cả ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hằng tuần.
Sau thời gian kể trên, nếu sức khỏe chưa hồi phục, lao động nữ có thể tiếp tục xin nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản theo quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội với thời gian nghỉ tối đa 05 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).
Như vậy, người lao động sảy thai có thể nghỉ làm hưởng chế độ thai sản đến 55 ngày. Trường hợp người lao động muốn nghỉ dài hơn thời gian kể trên thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ không hưởng lương.