Tài liệu kế toán cho sinh viên
Tài liệu kế toán cho sinh viên

Lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên có được tính vào chi phí không?

Lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên có được tính vào chi phí không? Hạch toán lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên như thế nào? Bài viết này sẽ phân tích các quy định pháp luật hiện hành và những quan điểm chuyên gia để làm rõ vấn đề này.

Lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên
Lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên có được tính vào chi phí không?

1. Lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên có được tính vào chi phí không?

Không. Lương của giám đốc công ty TNHH một thành viên không được đưa vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Nếu Giám đốc công ty TNHH một thành viên được thuê (có hợp đồng lao động) thì các khoản tiền lương vẫn tính chi phí lương như người lao động bình thường.”

Căn cứ vào quy định tại Điều 6 của Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT-BTC, các khoản chi được và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“Các khoản chi sẽ được trừ và không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế

Các khoản chi sẽ không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế bao gồm:

Chi tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho người lao động thuộc một trong các trường hợp sau:

Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.”

Đồng thời, căn cứ vào Công văn số 1590/TCT-DNNCN năm 2019 về chính sách thuế đối với khoản tiền lương của chủ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Tổng cục Thuế ban hành.

“Về thuế thu nhập doanh nghiệp:

Căn cứ hướng dẫn nêu trên các chi phí tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền thuê nhà và các dịch vụ khác kèm theo đã chi cho Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (do một cá nhân làm chủ), (không phân biệt có hay không tham gia trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh) đều thuộc khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.”

2. Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên có được trả lương không?

Giám đốc hoặc người đại diện pháp luật của công ty TNHH một thành viên vẫn phải bỏ công sức ra quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh trong tổ chức nên vẫn được hưởng lương bình thường. Pháp luật không quy định cụ thể về tiền lương trả cho người đại diện pháp lý doanh nghiệp. Mức lương của Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên được nhận dựa trên thỏa thuận của các bên liên quan căn cứ theo quy định tại Điều lệ công ty.

3. Hạch toán lương Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên

Trường hợp nếu có phát sinh chi phí tiền lương Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên. Mặc dù khoản tiền này không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng vẫn phải hạch toán như chi phí tiền lương bình thường. Với cách tính lương cho giám đốc công ty tnhh 1 thành viên trên, chúng ta có thể hạch toán lương giám đốc công ty tnhh 1 thành viên như sau:

Khi tính lương, trợ cấp, phụ cấp, bảo hiểm xã hội,…

  • Nợ 642
  • Có 334

Khi chi trả tiền lương,…

  • Nợ 334
  • Có 111, 112

Vì khoản tiền này không được tính trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, nên doanh nghiệp cần lập tờ khai Quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (mẫu 03/TNDN) và điền số tiền lương vào Chỉ tiêu B4.

Tại Điều 82 Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 quy định về Giám đốc. Theo đó, Giám đốc là một thành viên có nhiệm kỳ không quá 05 năm hoạt động, điều hành kinh doanh tại doanh nghiệp. Giám đốc được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty bổ nhiệm hoặc thuê ngoài (dạng hợp đồng lao động). Tùy vào cơ cấu tổ chức trong doanh nghiệp mà Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc thành viên trong Hội đồng thành viên có thể kiêm nhiệm vị trí Giám đốc công ty.

Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên giữ vai trò là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp. Chịu mọi trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trước pháp luật, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

Giám đốc đảm nhiệm thực hiện các quyết định của doanh công ty. Thực hiện các công việc kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, tổ chức các phương án kinh doanh, đại diện công ty ký kết hợp đồng,… Bên cạnh đó còn thực hiện quản lý nội bộ như tuyển dụng lao động, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ quản lý. Đề xuất phương án cơ cấu doanh nghiệp, phương án trong kinh doanh. Ngoài ra, còn thực hiện báo cáo tài chính hàng năm.

4. Quy định về tiền lương của Giám đốc công ty TNHH 1 thành viên

4.1 Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp

Căn cứ theo Công văn 727/TCT-CS quy định về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp liên quan đến tiền lương của chủ sở hữu doanh nghiệp đồng thời cũng là Giám đốc công ty TNHH một thành viên (do cá nhân làm chủ), cụ thể:

“Tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị mà những người này không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh.”

Như vậy, các khoản chi tiền lương tiền công của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên, không phân biệt có trực tiếp tham gia điều hành kinh doanh, sản xuất thì không được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

4.2 Đối với thuế thu nhập cá nhân

Các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm: thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ hoạt động kinh doanh (quy định tại điểm 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC).

Tiền lương là khoản được tiền thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện công việc. Tiền lương bao gồm tiền lương theo vị trí công việc, phụ cấp và các khoản bổ sung khác (quy định tại Điều 90 Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14).

Như vậy, theo quy định trên thì khoản tiền của Giám đốc công ty TNHH một thành viên (do cá nhân làm chủ) thì không phải là thu nhập từ tiền lương nên không chịu thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, nếu Giám đốc công ty TNHH một thành viên là được thuê (dưới dạng hợp đồng lao động) không phải chủ doanh nghiệp thì khoản tiền lương này vẫn chịu thuế thu nhập cá nhân.

5. Bảng lương giám đốc công ty

Bảng lương giám đốc công ty
Bảng lương giám đốc công ty
CHỨC DANH HỆ SỐ, MỨC LƯƠNG
Tổng công ty đặc biệt và tương đương Tổng công ty và tương đương Công ty hạng I Công ty hạng II Công ty hạng III
1. Tổng giám đốc, Giám đốc          
– Hệ số: 7,85 – 8,20 7,45 – 7,78 6,64 – 6,97 5,98 – 6,31 5,32 – 5,65
Mức lương thực hiện từ 01/10/2004 2276,5 – 2378,0 2160,5 – 2256,2 1925,6 – 2021,3 1734,2 – 1829,9 1542,8 – 1638,5
2. Phó tổng giám đốc, Phó giám đốc          
– Hệ số: 7,33 – 7,66 6,97 – 7,30 5,98 – 6,31 5,32 – 5,65 4,66 – 4,99
Mức lương thực hiện từ 01/10/2004 2125,7 – 2221,4 2021,3 – 2117,0 1734,2 – 1829,9 1542,8 – 1638,5 1351,4 – 1447,1
3. Kế toán trưởng          
– Hệ số: 7,00 – 7,33 6,64 – 6,97 5,65 – 5,98 4,99 – 5,32 4,33 – 4,66
Mức lương thực hiện từ 01/10/2004 2030,0 – 2125,7 1925,6 – 2021,3 1638,5 – 1734,2 1447,1 – 1542,8 1255,7 – 1351,4

6. Cách tính lương cho giám đốc công ty TNHH 1 thành viên

Cách tính lương cho giám đốc công ty TNHH một thành viên thường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Quy mô và lĩnh vực hoạt động của công ty: Lương của giám đốc thường phản ánh quy mô và lĩnh vực hoạt động của công ty. Các công ty lớn hoặc hoạt động trong các ngành công nghiệp có tính cạnh tranh cao thường trả mức lương cao hơn.
  • Trách nhiệm và vai trò của giám đốc: Lương của giám đốc thường phản ánh trách nhiệm và vai trò của họ trong việc quản lý và điều hành công ty. Những giám đốc có trách nhiệm và quyền lực lớn thường nhận mức lương cao hơn.
  • Hiệu suất và kinh nghiệm: Kinh nghiệm làm việc và hiệu suất của giám đốc cũng ảnh hưởng đến mức lương. Những giám đốc có kinh nghiệm và có thành tích xuất sắc thường được trả mức lương cao hơn.
  • So sánh với mức lương thị trường: Công ty thường sẽ tham khảo mức lương của giám đốc trong các công ty cùng lĩnh vực hoạt động để đảm bảo mức lương cạnh tranh và hợp lý.
  • Chính sách và quy định của công ty: Mức lương của giám đốc cũng phụ thuộc vào chính sách và quy định về lương của công ty, bao gồm cả nguyên tắc công bằng và minh bạch trong việc xác định lương.

Trong việc tính toán lương cho giám đốc, công ty cần cân nhắc các yếu tố trên và thực hiện quy trình xác định lương một cách công bằng và minh bạch.

Trên đây là quy định về việc hạch toán lương giám đốc công ty TNHH 1 thành viên. Hy vọng qua bài viết trên Quý độc giả đã biết thêm được những thông tin bổ ích.

Xem thêm:

Quy trình tính lương và thanh toán lương cho nhân viên cho doanh nghiệp

Cách tính lương trong excel mới nhất

Ứng lương là gì? Quy định về tạm ứng lương cho nhân viên 2025