Revolving L/C – Thư tín dụng tuần hoàn
Thư tín dụng tuần hoàn hay L/C tuần hoàn là gì? Trường hợp nào nên dùng L/C tuần hoàn? Tùy theo những ưu nhược điểm của các loại thư tín dụng mà doanh nghiệp sử dụng cho phù hợp với mục đích và trường hợp của mình.
1. L/C Tuần Hoàn (Revolving L/C) Là Gì?
L/C tuần hoàn là L/C không thể hủy ngang, giá trị của nó được tự động tái sử dụng nhiều lần trong một thời hạn nhất định, ngay sau khi nghĩa vụ thanh toán của lần trước được thực hiện xong, cứ như vậy L/C tuần hoàn tới khi nào hoàn tất giá trị hợp đồng.
Revolving L/C – L/C tuần hoàn được sử dụng khi hai bên đã hợp tác mua bán thường xuyên, không thay đổi đối tượng thanh toán, dùng với những mặt hàng có số lượng, chủng loại, giá cả ổn định trong thời gian dài. Trường hợp người nhập khẩu muốn giao hàng hàng từng phần, tại các thời điểm quy định thì dùng L/C tuần hoàn.
Hai bên sử dụng hình thức thanh toán này để giảm thiểu chi phí mở L/C. Bên nhập khẩu chỉ cần mở L/C một lần cho cả đơn đặt hàng và bên L/C sẽ chủ động tái tụng khi tới thời hạn thanh toán, nhà Xuất khẩu không cần chờ đợi một thư tín dụng mới.
Tham khảo:
Phương thức LC (letter of credit) – thanh toán theo thư tín dụng
Lộ Trình Học Xuất Nhập Khẩu Cho Người Mới Bắt Đầu
Ví dụ: Một nhà nhập khẩu may mặc thường xuyên mua một khối lượng bông nhất định từ một nhà máy xuất khẩu bên Mỹ với tổng trị giá hợp đồng là 1.600.000 USD, thực hiện trong vòng 1 năm.
Để giảm thiểu chi phí, bên mua sẽ mở một L/C tuần hoàn trị giá 400.000 USD thời hạn hiệu lực trong 3 tháng với điều kiện được tuần hoàn 4 lần trong 1 năm
Cuối quý 1, giá trị L/C thực hiện hết để thanh toán số hàng đã giao trong quý 1, L/C lại được mở như cũ, tuần hoàn 4 lần để thanh toán toàn bộ khối lượng hàng hóa đã giao theo hợp đồng trong vòng 1 năm.
2. Phân loại L/C tuần hoàn
Có 2 loại thư tín dụng tuần hoàn:
2.1 Thư tín dụng tuần hoàn tích lũy
Là L/C tuần hoàn cho phép cộng dồn số dư của L/C trước vào số dư của các L/C kế tiếp. Được hiểu là, trong thời gian quy định nếu bên bán chưa giao đủ hàng theo quy định trên L/C thì trong thời gian quy định tiếp theo, bên bán được quyền giao hàng cộng dồn, lượng hàng kỳ hiện tại cộng với lượng hàng giao thiếu từ kỳ trước.
2.2 Thư tín dụng tuần hoàn không tích lũy
Được hiểu là L/C tuần hoàn không cho phép cộng dồn số dư của L/C trước đó. Khi đó người xuất khẩu không được phép giao hàng vượt quá giá trị giao hàng kỳ hiện tại, mặc dù người xuất khẩu giao thiếu kỳ trước, không hoàn thành việc giao hàng theo quy định, thì kỳ sau cũng không được giao bù.
3. Cách sử dụng L/C tuần hoàn – Revolving L/C ?
Thông thường có 3 cách sử dụng L/C tuần hoàn như sau:
- L/C tuần hoàn tự động (automatic): L/C tự động có giá trị như cũ sau khi sử dụng xong, không cần có sự thông báo của Ngân hàng Phát hành cho nhà xuất khẩu biết.
- L/C tuần hoàn bán tự động (part automatic): Sau khi sử dụng L/C, trong một thời hạn nhất định kể từ ngày L/C hết hạn hiệu lực hoặc đã sử dụng hết mà phía Ngân hàng Phát hành không thông báo gì thì L/C kế tiếp với các điều kiện tương tự tiếp tục có hiệu lực và có giá trị như cũ.
- L/C tuần hoàn hạn chế (restrictive): Phải có thông báo của Ngân hàng Phát hành cho người bán về hiệu lực của L/C mới được tái lập thì L/C kế tiếp mới có hiệu lực.
L/C có thể tuần hoàn theo số tiền hoặc thời gian. Trong L/C tuần hoàn cần ghi rõ ngày hết hiệu lực cuối cùng, số lần tuần hoàn và số tiền tối thiểu của mỗi lần, đồng thời phải quy định rõ L/C đó là tuần hoàn tích lũy hay không tích lũy.
4. Ưu điểm nhược điểm của thư tín dụng tuần hoàn
Ưu điểm của L/C tuần hoàn
- Đây là phương thức thanh toán an toàn bởi có sự đảm bảo của ngân hàng đứng ra trả tiền giúp người mua nếu người mua không hoàn thành nghĩa vụ tài chính khi đã nhận được hàng. Vì vậy mang lại sự an tâm cho người bán về rủi ro tài chính. Bản thân việc mở thư tín dụng đã là 1 quá trình làm chứng phức tạp
- Tiết kiệm chi phí mở L/C cho người nhập khẩu
Nhược điểm của L/C tuần hoàn
Thời hạn của thư tín dụng tuần hoàn khá dài. L/C tuần hoàn là thư tín dụng không thể hủy ngang, vì vậy sử dụng thư tín dụng tuần hoàn người nhập khẩu cũng phải chấp nhận rủi ro về tài chính trong trường hợp vẫn phải nhập hàng về mà tình hình doanh nghiệp hoặc thị trường đang bất ổn.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Revolving L/C – Thư tín dụng tuần hoàn.