Phân loại tài sản theo dõi trong trạng thái tĩnh của kế toán (Phần 1)
>> Xem thêm: Đối tượng chung của kế toán
Hạch Toán Kế Toán Bán Hàng – Tài Khoản 511 Chi Tiết
Cách hạch toán thuế thu nhập hoãn lại
1. Khái niệm tài sản
Tài sản là tất cả những thứ, bao gồm cả vô hình và hữu hình gắn với lợi ích trong tương lai của đơn vị.
Vì dụ: tài sản hữu hình (nhà xưởng, máy móc, thiết bị,…) và tài sản vô hình (quyền sử dụng đất, thương hiệu, bản quyền kinh doanh,…)
Tuy nhiên, không phải cứ tồn tại ở đơn vị kế toán là được ghi nhận thành tài sản.
Tài sản phải thỏa mãn các điều kiện sau để được ghi nhận:
– Thuộc quyền sở hữu hoặc quyền kiểm soát lâu dài của đơn vị;
– Xác định được giá trị;
– Gắn với lợi ích trong tương lai của đơn vị.
2. Phân loại tài sản
Mỗi đơn vị kế toán lại có hệ thống tài sản riêng để phục vụ cho đặc thù kinh doanh của đơn vị.
Vì vậy không thể gọi tất cả các tài sản của đơn vị theo tên thông thường mà cần có sự phân loại thống nhất gắn cho chúng để dễ dàng đọc hiểu và quản lý.
Công tác kế toán phân chia tài sản theo hai góc độ vận động:
– Theo kết cấu vốn kinh doanh;
– Theo nguồn hình thành vốn kinh doanh trong đơn vị.
Phân loại tài sản theo kết cấu vốn kinh doanh
Theo cách phân loại này, tài sản được nhìn nhận như là vốn kinh doanh. Xét theo góc độ luân chuyển của nguồn vốn khi tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, thì tài sản của đơn vị được chia thành: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn.
a. Tài sản ngắn hạn
Là bộ phận có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi trong vòng 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh.
Các bộ phận thuộc tài sản ngắn hạn:
– Vốn bằng tiền: tồn tại dưới hình thái tiền tệ, bao gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và tiền đang chuyển.
– Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn: tài sản được đem đầu tư với mục đích sinh lời và thu hồi trong vòng 1 năm hoặc 1 chu kỳ kinh doanh, bao gồm: các khoản cho vay ngắn hạn, đầu tư cổ phiếu ngắn hạn,…
– Các khoản phải thu: là tài sản của đơn vị nhưng đang bị các đơn vị, tổ chức, cá nhận khác chiếm dụng và đơn vị phải có trách nhiệm thu hồi, bao gồm: phải thu ngắn hạn đối với khách hàng, phải thu nội bộ, tài sản thiếu chờ xử lý,…
– Hàng tồn kho: tồn tại dưới hình thái vật chất có thể cân, đo, đong, đếm, bộ phận này nhằm dự trữ, phục vụ cho quá trình sản xuất hoặc tiêu thụ, bao gồm: hàng mua đang đi đường, nguyên vật liệu, công cụ cụng cụ, thành phẩm chế dở, thành phẩm, hàng hóa,…
– Tài sản ngắn hạn khác: bao gồm khoản tạm ứng cho cán bộ công nhân viên, chi phí trả trước ngắn hạn, các khoản ký cược, ký quỹ ngắn hạn,…
b. Tài sản dài hạn
Là bộ phận có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi trên 1 năm hay kéo dài qua 1 chu kỳ kinh doanh.
Các bộ phận thuộc tài sản dài hạn:
– Các khoản phải thu: khác với các khoản phải thu thuộc tài sản ngắn hạn, với bộ phận này, đơn vị phải có trách nhiệm thu hồi với thời hạn trên 1 năm hoặc kéo dài hơn 1 chu kỳ kinh doanh.
– Tài sản cố định: là những tư liệu sản xuất có thời gian sử dụng ước tính trên 1 năm và có giá trị lớn (>= 30 triệu đồng). Thuộc loại tài sản cố định có: tài sản cố định hữu hình (nhà cửa, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,…) và tài sản cố định vô hình (bản quyền, thương hiệu, quyền sử dụng đất,…).
– Bất động sản đầu tư, gồm: Quyền sử dụng đất, nhà hoặc một phần của nhà hoặc cả nhà và đất; cơ sở hạ tầng do người chủ sở hữu hoặc người đi thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính, nắm giữ nhằm mục đích thu lợi từ việc cho thuê hoặc chờ tăng giá (không bao gồm sử dụng trong sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc cho các mục đích quản lý hoặc bán trong kỳ hoạt động kinh doanh thông thường).
– Các khoản đầu tư tài chính dài hạn: bộ phận tài sản được sử dụng để đầu tư với mục đích sinh lời, sẽ thu hồi trên 1 năm hay qua 1 chu kỳ kinh doanh, bao gồm: các khoản đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên doanh liên kết, đầu tư chứng khoán dài hạn, cho vay dài hạn,…
– Tài sản dài hạn khác: bao gồm chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang, chi phí trả trước dài hạn, các khoản ký cược ký quỹ dài hạn,…