Ngành kiểm toán là gì? 5 kỹ năng cần có của kiểm toán viên thành công
Ngành kiểm toán là một trong những ngành nghề đặc thù và có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp. Đây là một công việc đòi hỏi người thực hiện phải có những kỹ năng chuyên môn, sự tỉ mỉ cùng khả năng phán đoán tốt. Để trở thành kiểm toán viên xuất sắc không hề đơn giản. Hãy cùng TopCV tìm hiểu 5 kỹ năng cần có của kiểm toán viên thành công qua bài viết dưới đây.
Ngành kiểm toán là gì?
Ngành kiểm toán – kế toán được coi là một trong những công cụ đắc lực để quản lý kinh tế của doanh nghiệp. Bạn có thể hiểu kiểm toán chính là quá trình kiểm tra và xác nhận độ chính xác, tính trung thực của những số liệu mà kế toán viên cung cấp, từ đó bao quát được hoạt động tài chính của doanh nghiệp để đưa ra được những chiến lược kinh doanh phù hợp.
Có thể thấy kiểm toán có 3 chức năng chính là:
- Kiểm toán có vai trò xác minh tính trung thực và tính pháp lý của các báo cáo tài chính.
- Kiểm toán sẽ dựa vào các số liệu trong báo cáo tài chính để đưa ra ý kiến về tính trung thực và mức độ hợp lý của các thông tin tài chính, kế toán.
- Tư vấn cho nhà quản lý thông qua việc chỉ ra những sai sót và đề ra những biện pháp để khắc phục, giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Những kỹ năng cần có ở một kiểm toán viên
Muốn trở thành một kiểm toán viên thành công bạn nhất định phải có đủ những kỹ năng dưới đây:
Kỹ năng giao tiếp
Một kiểm toán viên nếu muốn thành công điều đầu tiên bạn cần phải có kỹ năng giao tiếp tốt. Hầu hết những kiểm toán viên lâu năm trong nghề đều có khả năng ăn nói rất lưu loát, trình bày các quan điểm một cách rõ ràng và dễ hiểu.
Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp sẽ giúp kiểm toán viên thuyết phục khách hàng của mình một cách dễ dàng hơn. Cũng có đôi khi kiểm toán viên còn phải trình bày những vấn đề chuyên sâu một cách đơn giản để những người không có chuyên môn vẫn có thể hiểu.
Kỹ năng phân tích logic
Đối với kiểm toán viên, kỹ năng phân tích logic có vai trò vô cùng quan trọng. Đây là kỹ năng được áp dụng và sử dụng thường xuyên cho công việc của ngành kiểm toán. Bạn sẽ phải phân tích, giải thích được những biến động của số liệu trong báo cáo tài chính.
Kỹ năng tính toán
Tuy không quan trọng như kỹ năng phân tích nhưng tính toán linh hoạt cũng là một trong những kỹ năng cơ bản mà kiểm toán viên nào cũng cần phải biết.
Kỹ năng tính toán giúp bạn có thể phát hiện được vấn đề khi nhìn vào những con số tăng/giảm bất thường của báo cáo. Kỹ năng tính toán còn gọi là kỹ năng nhạy cảm với những con số.
Kỹ năng tương tác
Một kiểm toán viên muốn thành công thì kỹ năng tương tác với người khác phải tốt. Bởi kiểm toán viên phải làm việc cùng với khách hàng trong rất nhiều tình huống. Nếu có kỹ năng này bạn sẽ đồng cảm với khách hàng và hiểu rõ được tình trạng của khách hàng trong quá trình làm việc. Từ đó đưa ra hướng giải quyết phù hợp nhất.
Kỹ năng quản trị thời gian
Áp lực của ngành kiểm toán rất cao, nhất là áp lực về thời gian. Chính vì vậy một kiểm toán viên giỏi cần phải biết quản trị thời gian và sử dụng một cách hợp lý để đạt được hiệu quả làm việc cao nhất.
Ngoài ra, kỹ năng quản trị thời gian sẽ tăng sự uy tín của người kiểm toán viên trong mắt cấp trên và đồng nghiệp. Bạn luôn đảm bảo có thể hoàn thành công việc đúng thời hạn. Kỹ năng quản trị thời gian cũng giúp bạn có thể duy trì một trạng thái cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mình một cách hiệu quả.
> Có thể bạn quan tâm: Nhân viên Kế toán thuế là gì? Mô tả công việc của kế toán thuế
TOP 5 phần mềm kế toán được sử dụng phổ biến hiện nay
Cảnh báo về việc mất tiền oan thuế TNCN trong giao dịch BĐS
Học kiểm toán tại đâu?
Học kiểm toán tại Hà Nội
Tại Hà Nội bạn có thể tham khảo hai địa chỉ đào tạo kiểm toán tốt nhất là: Đại Học Kinh tế Quốc dân và Đại học Ngoại thương.
Đại học Kinh tế Quốc Dân (NEU): Lực chọn học kiểm toán tại Đại học Kinh tế Quốc Dân (NEU) là một sự lựa chọn đúng đắn. Cử nhân, thạc sĩ kiểm toán tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân có cơ hội việc làm rất cao ngay khi ra trường.
Đại học Ngoại thương (FTU): Đây là một trong những trường đại học đào tạo kiểm toán nổi tiếng ở Việt Nam. Tại trường ĐH FTU bạn sẽ được đào tạo một cách bài bản bản. Trường có nhiều giảng viên hàng đầu, đảm bảo đầu ra là những kiểm toán viên chất lượng.
Học kiểm toán tại TP.Hồ Chí Minh
Tại TP. Hồ Chí Minh bạn có thể tham khảo những địa chỉ đào tạo ngành kiểm toán uy tín dưới đây:
Đại học Kinh tế – Luật: Đây là một trường đại học có uy tín chuyên đào tạo kiểm toán ở khu vực miền Nam và là ước mơ của rất nhiều bạn trẻ. Nếu bạn muốn theo học kiểm toán tại TP.Hồ Chí Minh thì Đại học Kinh tế – Luật là một lựa chọn lý tưởng. Tuy nhiên, bạn cần phải chuẩn bị kiến thức tốt nhất bởi chỉ tiêu tuyển sinh của trường ít nhưng điểm chuẩn đầu vào khá cao. Nếu muốn thi vào trường ĐH này bạn sẽ phải cạnh tranh rất gay gắt đấy.
Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh: Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh là một trường khá nổi tiếng về đào tạo kiểm toán ở Việt Nam. Trường có địa chỉ tại 59C Nguyễn Ðình Chiểu, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp bạn có thể xin việc tại các doanh nghiệp hoặc các cơ quan kiểm toán Nhà nước hoặc các cơ quan quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán.
>> Xem thêm: Bật mí mức lương kế toán theo vị trí, cấp bậc và cách deal lương cao
Cơ hội việc làm ngành kiểm toán
Tình hình tuyển dụng kiểm toán
Hiện nay ở Việt Nam nhân lực ngành kiểm toán rất thiếu, nguyên nhân là do tốc độ phát triển kinh tế cũng như sự gia tăng của các doanh nghiệp khiến nhu cầu kiểm toán ngày càng cao. Tuy nhiên, để có được chỗ đứng vững chắc trong ngành này bạn cần phải cạnh tranh rất quyết liệt, phải học và có được các chứng chỉ hành nghề kiểm toán, chứng chỉ kiểm toán viên Quốc tế ACCA.
Ngoài ra bạn cần phải nắm vững về nghiệp vụ cũng như có sự hiểu biết về nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Nếu có đầy đủ kiến thức và kỹ năng trên bạn chắc chắn sẽ không lo thất nghiệp trong ngành kiểm toán ở Việt Nam. Cơ hội việc làm ngành kiểm toán vẫn rất rộng mở với những người có đủ đam mê và nỗ lực.
Mức lương kiểm toán
Mức lương của kiểm toán viên sẽ dao động trong khoảng 8-20 triệu đồng/ tháng. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những đề xuất lương thưởng, đãi ngộ và áp lực công việc khác nhau.