Nguyên Tắc và Phương Pháp Quản Lý Tài Chính Đơn Vị Hành Chính Sự Nghiệp
Quản lý tài chính tại các đơn vị hành chính sự nghiệp cần thực hiện theo nguyên tắc và phương pháp nào?. Cùng theo dõi chi tiết những nguyên tắc và phương pháo quản lý tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp trong bài viết dưới đây nhé.
1. Các Nguyên Tắc Chủ Yếu Về Quản Lý Tài Chính Đơn Vị Hành Chính Sự Nghiệp
Khi quản lý tài chính các đơn vị hành chính sự nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
– Chi tiêu HCSN phải thực hiện theo tiêu chuẩn định mức qui định, chi đúng mục đích, đúng dự toán được duyệt, không được lấy khoản chi này để chi cho các khoản chi khác nếu không được cơ quan tài chính đồng ý.
– Triệt để tiết kiệm chống lãng phí, các khoản chi có tính chất không cần thiết, phô trương hình thức thì không được phép chi, các khoản tiết kiệm sẽ được sử dụng để nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị.
– Thực hiện lập dự toán, quyết toán của Nhà nước, việc chi tiêu phải có đầy đủ chứng từ hợp lệ, hợp pháp để làm căn cứ cho cơ quan tài chính giám sát, kiểm tra.
– Thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính đối với các khoản thu sự nghiệp, thu đúng, thu đủ, kịp thời và hạch toán đầy đủ vào sổ sách kế toán, đảm bảo chi tiêu từ các khoản trên phải đúng qui định được duyệt.
– Quản lý các khoản chi tiêu HCSN phải luôn gắn liền với chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị, đảm bảo cho các cơ quan đơn vị vừa hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao vừa đảm bảo nguyên tắc quản lý tài chính.
– Lựa chọn hình thức kế toán
Hình thức nhật ký – sổ cái
Hình thức chứng từ ghi sổ
Hình thức nhật ký chung
Tùy thuộc vào quy mô, đặc điểm hoạt động, yêu cầu và trình độ quản lý, điều kiện trang bị kỹ thuật tính toán, mỗi đơn vị kế toán được phép lựa chọn một hình thức kế toán phù hợp với đơn vị mình nhằm đảm bảo cho kế toán có thể thực hiện tốt việc thu nhận, xử lý và cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, tài liệu (kế toán) kinh tế phục vụ cho công tác lãnh đạo.
Nguyên tắc và phương pháp quản lý tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp
2. Phương Pháp Quản Lý Tài Chính Đơn Vị Hành Chính Sự Nghiệp
2.1. Các hình thức quản lý
Quản lý tài chính đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm các hình thức sau:
* Quản lý theo hình thức thu đủ – chi đủ: Nghĩa là trong quá trình hoạt động đơn vị thu được bao nhiêu nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước và nhu cầu chi tiêu bao nhiêu ngân sách nhà nước cấp phát đủ theo dự toán được duyệt.
Hình thức này áp dụng cho các đơn vị có số thu ít không đáng kể, không thường xuyên so với các khoản ngân sách nhà nước chi ra cho đơn vị.
Quản lý theo hình thức này có nhược điểm: không gắn số thu với số chi, hạn chế quyền tự chủ của các đơn vị. Vì vậy, không thúc đẩy các đơn vị quan tâm đến việc khai thác nguồn thu.
*Quản lý theo hình thức tự chủ tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính
Đối tượng áp dụng hình thức này là những cơ quan hành chính các cấp từ trung ương đến cấp xã phường thị trấn theo qui định.
Các đơn vị này được chủ động phân bổ và sử dụng các khoản kinh phí thường xuyên được giao tự chủ cho phù hợp với nhu cầu thực tế.
Kinh phí tiết kiệm được từ quĩ lương do thực hiện tinh giảm biên chế được sử dụng toàn bộ cho mục đích tăng thu nhập của cán bộ công chức.Phạm vi sử dụng kinh phí tiết kiệm được:
– Bổ sung thu nhập cho cán bộ công chức: Cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được áp dụng hệ số tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 lần so với mức tiền lương ngạch, bậc, chức vụ do nhà nước quy định để chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức.
– Chi khen thưởng.
– Chi cho các hoạt động phúc lợi tập thể của cán bộ công chức.
– Trích lập quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức. Số kinh phí tiết kiệm được cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển vào quỹ dự phòng ổn định thu nhập.
– Trong năm, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ được tạm ứng từ dự toán đã giao thực hiện chế độ tự chủ để chi thu nhập tăng thêm, chi cho các hoạt động phúc lợi, chi bổ sung phục vụ các hoạt động nghiệp vụ.
– Quản lý theo hình thức này góp phần đổi mới cơ chế quản lý biên chế và kinh phí đối với các cơ quan quản lý hành chính và các tổ chức được nhà nước cấp kinh phí, thúc đẩy việc sắp xếp bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, góp phần tiết kiệm, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng kinh phí hành chính trong các cơ quan đơn vị.
2.2. Các biện pháp quản lý
Quản lý tài chính đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp đòi hỏi phải căn cứ vào tính chất đặc điểm hoạt động của từng ngành từng đơn vị cơ quan để áp dụng các biện pháp quản lý cho phù hợp. Trong quản lý tài chính đơn vị HCSN có 3 biện pháp sau đây:
– Quản lý theo dự toán kinh phí: Quản lý theo biện pháp này nghĩa là trong quá trình hoạt động chỉ căn cứ vào nhu cầu thực tế để tính toán lập dự toán và cấp phát kinh phí. Quản lý theo biện pháp này có nhược điểm làm cho các đơn vị thiếu chủ động trong việc chi tiêu nặng về công tác hành chính sự vụ.
– Quản lý theo tiêu chuẩn định mức chi tiêu: Định mức chi tiêu là mức chi qui định cho một công việc nhất định trong một thời gian nhất định. Đây là biện pháp quản lý tiêu biểu nhất bởi vì: Tiêu chuẩn định mức chi tiêu là cơ sở thực hành tiết kiệm (tiết kiệm cả về thời gian lao động và tiền bạc).
Quản lý theo tiêu chuẩn, định mức chi tiêu sẽ nâng cao được tinh thần trách nhiệm, tính chủ động của các cơ quan đơn vị trong công tác quản lý tài chính. Đồng thời là cơ sở để cải tiến công tác lề lối làm việc và cải thiện mối quan hệ giữa các cấp, các ngành và các đơn vị.
– Quản lý theo hợp đồng kinh tế đấu thầu, khoán chi: Quản lý theo biện pháp này giúp cho các đơn vị chủ động trong quản lý thu chi tài chính, thúc đẩy các đơn vị phấn đấu phát triển sự nghiệp tăng thu tiết kiệm chi để có doanh lợi, hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao, cải thiện nâng cao phúc lợi cho người lao động.Tóm lại, trong ba biện pháp trên, việc áp dụng biện pháp nào là tùy thuộc vào tính chất đặc điểm hoạt động của các cơ quan, đơn vị cho phù hợp.
Tham khảo thêm các bài viết:
Các Loại Phụ Phí Trong Vận Tải Đường Biển