Tài sản cố định thuê tài chính là gì?
1. Tài sản cố định thuê tài chính là gì?
1.1. Tài sản cố định thuê tài chính là gì?
Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp được thành lập. Bên cạnh những doanh nghiệp có đủ điều kiện mua tài sản cố định để phục vụ sản xuất kinh doanh. Còn có những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện về kinh tế để mua tài sản cố định. Từ đó, làm nảy sinh nhu cầu đi thuê để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.
Tài sản cố định thuê tài chính là những tài sản cố định mà doanh nghiệp đi thuê của các công ty cho thuê tài chính. Tài sản cố định thuê tài chính là sự chuyển giao phần lớn giữa lợi ích và rủi ro cho bên đi thuê, thời gian cho thuê chiếm phần lớn thời gian sử dụng hữu ích.
Tài sản cố định thuê tài chính phải thỏa mãn một trong năm điều kiện sau:
- Thứ nhất: Quyền sở hữu TSCĐ mà công ty cho thuê Tài chính cho doanh nghiệp thuê sẽ được chuyển giao sang cho doanh nghiệp khi kết thúc thời hạn thuê.
- Thứ hai: Trong hợp đồng, cho phép bên thuê được lựa chọn mua tài sản cố định đã thuê với mức giá tính thấp hơn giá trị hợp lí vào cuối thời hạn thuê.
- Thứ ba: Thời hạn cho thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng thực tế của tài sản dù cho không có sự chuyển giao quyền sở hữu.
- Thứ tư: Tại thời điểm thuê TSCĐ, tổng chi phí thuê TSCĐ phải chiếm tối thiểu 60% giá trị của TSCĐ thuê tài chính.
- Thứ năm: Tài sản cố định thuê tài chính thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê mới có khả năng sử dụng mà không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn.
1.2. Ví dụ về tài sản cố định thuê tài chính
Tài sản cố định đi thuê tài chính là ví dụ như doanh nghiệp thuê máy móc phục vụ sản xuất trong 5 năm. Trong khi thời gian sử dụng hữu ích của máy đó là 6 năm.
Xem thêm:
- Phân loại TSCĐ thuê Tài chính và TSCĐ thuê hoạt động
- Tổng hợp kinh nghiệm hạn chế sai sót trong kế toán và tương đương tiền
- Công việc của kế toán Tài sản cố định và CCDC – Những Kiến Thức Cần Biết
2. Lợi ích của TSCĐ thuê tài chính
– Thông thường, khi các doanh nghiệp có nhu cầu mua TSCĐ mà lại không có đủ tiền để đi mua, các doanh nghiệp sẽ lựa chọn phương án đi vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại luôn đòi hỏi doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo tài sản thế chấp. và chỉ cho vay tối đa là 80% tổng chi phí mua TSCĐ đó. Đây thực sự là rào cản đối với các doanh nghiệp chưa có đủ tiềm lực tài chính và tài sản đảm bảo.
Vì vậy, các doanh nghiệp đã chọn phương án đi thuê TSCĐ của các công ty cho thuê tài chính. Khi đi thuê tài chính, doanh nghiệp chẳng những không cần ký quỹ đảm bảo hay tài sản thế chấp mà vẫn có được TSCĐ để sản xuất kinh doanh với mức lãi suất thuê TSCĐ dựa trên sự thỏa thuận của 2 bên.
– Kênh tín dụng này cũng cho phép doanh nghiệp được hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn máy móc thiết bị, nhà cung cấp, cũng như mẫu mã chủng loại phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp mình.
– Ngoài ra nếu doanh nghiệp đã lỡ đầu tư mua tài sản mà thiếu vốn lưu động thì vẫn có thể bán lại cho công ty thuê tài chính và sau đó, công ty sẽ cho doanh nghiệp thuê lại. Như vậy doanh nghiệp vừa có vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh mà vẫn được sử dụng tài sản
– Kết thúc thời hạn thuê tài sản cố định, doanh nghiệp được quyền ưu tiên mua lại tài sản với giá trị danh nghĩa thấp hơn với giá trị thực tế của tài sản đó tại thời điểm mua lại.
3. Ghi nhận nguyên giá của tài sản cố định thuê tài chính
Việc ghi nhận nguyên giá của TSCĐ đi thuê tài chính tại thời điểm thuê theo quy định tại chuẩn mực kế toán Việt Nam số 06 – Thuê tài sản.
Nguyên giá tài sản cố định thuê tài chính được ghi nhận theo giá thấp hơn trong hai giá: Gía trị hợp lý của TSCĐ được xác định tại thời điểm khởi đầu thuê hoặc giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu. Sau thời điểm đó, kế toán TSCĐ thuê tài chính được thực hiện theo quy định của VAS 03.
Xem thêm: Cách Xác Định Nguyên Giá Tài Sản Cố Định
4. Trích khấu hao tài sản cố định thuê tài chính
Theo Điều 9 của Thông tư số 45/2013/TT-BTC, ngày 25/04/2013 thì Doanh nghiệp thuê Tài sản cố định theo hình thức thuê tài chính (gọi tắt là TSCĐ thuê tài chính) phải trích khấu hao TSCĐ đi thuê như TSCĐ thuộc sở hữu của doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Trường hợp ngay tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, doanh nghiệp thuê TSCĐ thuê tài chính cam kết không mua lại tài sản thuê trong hợp đồng thuê tài chính, thì doanh nghiệp đi thuê được trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính theo thời hạn thuê trong hợp đồng.
Xem thêm: Khấu Hao Tài Sản Cố Định – Những Kiến Thức Kế Toán Cần Biết
5. Hạch toán tài sản cố định thuê tài chính
Hạch toán tài sản cố định thuê tài chính chúng ta chia làm hai phần chính. Hạch toán tại đơn vị đi thuê và hạch toán tại đơn vị cho thuê tài chính.
5.1. Hạch toán tài sản cố định thuê tài chính tại đơn vị đi thuê
Đối với đơn vị đi thuê tài chính TSCĐ về dùng vào hoạt động sản xuất kinh doanh thì khi nhận TSCĐ thuê tài chính kế toán căn cứ vào hoạt động thuê tài chính và chứng từ có liên quan để phản ánh các tài khoản kế toán sau:
– Khi nhận TSCĐ thuê ngoài, căn cứ vào chứng từ liên quan (hoá đơn dịch vụ cho thuê tài chính, hợp đồng thuê tài chính…) kế toán ghi:
Nợ TK 212: Nguyên giá TSCĐ ở thời điểm thuê
Nợ TK 142 (1421): Số cho thuê phải trả
Có TK 342: Tổng số tiền thuê phải trả (giá chưa có thuế)
– Định kỳ thanh toán tiền thuê theo hợp đồng
Nợ TK 342 (hoặc TK 315): Số tiền thuê phải trả
Nợ TK 133 (1332): Thuế VAT đầu vào
Có TK liên quan (111, 112…): Tổng số thanh toán
– Hàng kỳ trích khấu hao TSCĐ đi thuê và kết chuyển (trừ dần) phải trả vào chi phí kinh doanh:
Nợ TK liên quan (627, 641, 642)
Có TK 214 (2142): Số khấu hao phải trích
Có TK 1421: Trừ dần phải trả vào chi phí
– Khi kết thúc hợp đồng thuê:
+ Nếu trả lại TSCĐ cho bên thuê:
Nợ TK 1421: Chuyển giá trị còn lại chưa khấu hao hết
Nợ TK 214 (2142): Giá trị hao mòn
Có TK 212: Nguyên giá TSCĐ đi thuê
+ Nếu bên đi thuê được quyền sở hữu hoàn toàn:
BT 1: Kết chuyển nguyên giá TSCĐ:
Nợ TK 211, 213
Có TK 212: Nguyên giá
BT 2: Kết chuyển giá trị hao mòn luỹ kế:
Nợ TK 214 (2142)
Có TK 214 (2141, 2143): Giá trị hao mòn
+ Nếu bên đi thuê được mua lại
Ngoài hai bút toán phản ánh theo nguyên giá và giá trị hao mòn giống như khi được giao quyền sở hữu hoàn toàn, kế toán còn phản ánh số tiền phải trả về mua lại hay chuyển quyền sở hữu (tính vào nguyên giá TSCĐ)
Nợ TK 211, 213: Giá trị trả thêm
Nợ TK 133 (1332):
Có TK: 111, 112, 342
5.2. Hạch toán TSCĐ thuê tài chính tại đơn vị cho thuê
Về thực chất TSCĐ cho thuê vẫn thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê, bởi vậy kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi cả về hiện vật và giá trị của TSCĐ cho thuê.
Theo chế độ quy định, bên cho thuê tài chính là đối tượng không chịu thuế VAT đối với dịch vụ cho thuê tài chính. Số thuế VAT đầu vào khi mua TSCĐ đã nộp sẽ được bên đi thuê trả dần trong thời gian cho thuê theo nguyên tắc phân bổ đều cho thời gian thuê.
– Khi giao TSCĐ cho bên đi thuê
Nợ TK 228: Giá trị TSCĐ cho thuê
Nợ TK 214 (2141, 2143): GTHM (nếu có)
Có TK 211, 213: nguyên giá TSCĐ cho thuê
Có TK 241: Chuyển giá trị XDCB hoàn thành sang cho thuê.
– Định kỳ (tháng, quý, năm) theo hợp đồng, phản ánh số tiền thu về cho thuê trong kỳ (cả vốn lẫn lãi).
Nợ TK 111, 112, 1388…: Tổng số thu
Có TK 711: Thu về cho thuê TSCĐ
Có TK 3331 (33311): Thuế VAT phải nộp.
Đồng thời xác định giá trị TSCĐ cho thuê phải thu hồi trong quá trình đầu tư tương ứng với từng kỳ.
Nợ TK 811
Có TK 228
– Nếu chuyển quyền sở hữu hoặc bán cho bên đi thuê trước khi hết hạn hoặc khi hết hạn cho thuê.
BT1: Phản ánh số thu về chuyển nhượng tài sản
Nợ TK 111, 112, 131,…
Có TK 711
BT2: Phản ánh số vốn đầu tư còn lại chưa thu hồi
Nợ TK 811
Có TK 228
– Nếu nhận lại TSCĐ khi hết hạn cho thuê, căn cứ giá trị được đánh giá lại (nếu có)
Nợ TK 211, 213: Giá trị đánh giá lại hoặc GTCL
Nợ TK 811 (hoặc có TK 711): Phần chênh lệch giữa GTCL chưa thu hồi với giá trị được đánh giá lại.
Có TK 228: GTCL chưa thu hồi.
6. Về hóa đơn GTGT của tài sản cố định thuê tài chính
Trích Mục 2.12, Phụ lục 4 tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 03 năm 2014:
Tổ chức cho thuê tài chính cho thuê tài sản thuộc đối tượng chịu thuế GTGT phải có hóa đơn GTGT (đối với tài sản mua trong nước) hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu (đối với tài sản nhập khẩu); tổng số tiền thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT phải khớp với số tiền thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT (hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu).
Các trường hợp tài sản mua để cho thuê không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, không có hóa đơn GTGT hoặc chứng từ nộp thuế GTGT ở khâu nhập khẩu thì không được ghi thuế GTGT trên hóa đơn.
Việc lập hóa đơn tài sản cố định thuê tài chính như sau:
– Trường hợp tổ chức cho thuê tài chính chuyển giao toàn bộ số thuế GTGT ghi trên hóa đơn tài sản mua cho thuê tài chính cho bên đi thuê tài chính được kê khai khấu trừ một lần thuế GTGT đầu vào của tài sản cho thuê tài chính, tổ chức cho thuê tài chính lập hóa đơn cho bên đi thuê để làm căn cứ khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:
Trên hóa đơn GTGT thu tiền lần đầu của dịch vụ cho thuê tài chính, tổ chức cho thuê tài chính ghi rõ: thanh toán dịch vụ cho thuê tài chính và thuế GTGT đầu vào của tài sản cho thuê tài chính, dòng tiền hàng ghi giá trị dịch vụ cho thuê tài chính (không bao gồm thuế GTGT của tài sản), dòng thuế suất không ghi và gạch chéo, dòng tiền thuế GTGT ghi đúng số thuế GTGT đầu vào của tài sản cho thuê tài chính.
– Xử lý lập hóa đơn khi hợp đồng chấm dứt trước thời hạn:
+ Thu hồi tài sản cho thuê tài chính: Trường hợp tổ chức cho thuê tài chính và bên đi thuê lựa chọn khấu trừ toàn bộ số thuế GTGT của tài sản cho thuê, bên đi thuê điều chỉnh thuế GTGT đã khấu trừ tính trên giá trị còn lại chưa có thuế GTGT xác định theo biên bản thu hồi tài sản để chuyển giao cho tổ chức cho thuê tài chính. Trên hóa đơn GTGT ghi rõ: xuất trả tiền thuế GTGT của tài sản thu hồi; dòng tiền hàng, dòng thuế suất không ghi và gạch bỏ; dòng tiền thuế ghi số tiền thuế GTGT tính trên giá trị còn lại chưa có thuế GTGT xác định theo biên bản thu hồi tài sản.
+ Bán tài sản thu hồi: Tổ chức cho thuê tài chính khi bán tài sản thu hồi phải lập hóa đơn GTGT theo quy định giao cho khách hàng.