Người lao động bị tạm giam mất 3 quyền lợi này
Bị tạm giam do vướng vào vụ án hình sự không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng mà người lao động còn có thể bị mất nhiều quyền lợi. Sau đây đây là những thiệt thòi mà người lao động bị tạm giam có thể gặp phải.
1. Không được trả lương do bị tạm hoãn hợp đồng
Điểm b khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019 ghi nhận trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự là một trong các lý do khiến cho hợp đồng lao động bị tạm hoãn thực hiện.
Theo khoản 2 Điều này, trong thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ khi hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Do đó, người lao động bị tạm giam sẽ không được trả lương. Tuy nhiên, nếu giữa hai bên có thỏa thuận về việc trả lương hoặc hỗ trợ tiền cho người lao động bị tạm giam thì người này vẫn được nhận những quyền lợi đã thỏa thuận.
Lưu ý: Lý do bị tạm giam không phải căn cứ để chấm dứt hợp đồng lao động. Do đó, người lao động chỉ bị tạm hoãn hợp đồng chứ không thể bị đuổi việc. Lúc này, nếu muốn chấm dứt hợp đồng lao động thì cần có sự thỏa thuận của hai bên hoặc có các căn cứ mà pháp luật quy định.
2. Bị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
Theo Điều 30 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động trong thời gian bị tạm giam không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động. Điều này có thể khiến người lao động mất đi các quyền lợi về bảo hiểm.
Cụ thể, khoản 7 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 quy định, người lao động mà bị tạm giam, tạm giữ để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì người lao động và đơn vị được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, khi bị tạm giam, người lao động sẽ bị dừng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, người này được phải đóng bảo hiểm y tế với mức bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng mà người lao động được hưởng.
Sau thời gian tạm giam nếu được cơ quan có thẩm quyền xác định bị oan, sai, không vi phạm pháp luật thì người lao động sẽ được đóng bù bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh.
Ngược lại, nếu cơ quan có thẩm quyền xác định người lao động là có tội thì người lao động sẽ không được đóng bù các loại bảo hiểm bắt buộc.
3. Không được trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc trong lúc tạm giam
Thêm một thiệt thòi khác cho người lao động bị tạm giam là khi nghỉ việc sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian tạm giam.
Bởi quy định về điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 đã loại trừ trường hợp người lao động bị tạm gia, chấp hành hình phạt tù.
Cụ thể, khoản 4 Điều này ghi nhận một trong những điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp là phải chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp nhưng trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù; ra nước ngoài định cư;…
Chính vì vậy, người lao động bị tạm giam sẽ không được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian bị tạm giam.