Hệ Thống Mục Lục Ngân Sách Nhà Nước Mới Nhất
I. Hệ Thống Mục Lục Ngân Sách Nhà Nước Là Gì?
Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước là bảng phân loại các khoản thu, chi ngân sách nhà nước theo hệ thống tổ chức nhà nước, lĩnh vực chi ngân sách nhà nước, ngành kinh tế và các mục đích kinh tế – xã hội do Nhà nước thực hiện, nhằm phục vụ cho công tác lập, chấp hành, kế toán, quyết toán ngân sách nhà nước và phân tích các hoạt động kinh tế, tài chính thuộc khu vực nhà nước
II. Quy Định Về Hệ Thống Mục Lục Ngân Sách Nhà Nước Mới Nhất
– Thông tư 324/2016/TT-BTC quy định về hệ thống mục lục ngân sách nhà nước
– Thông tư 93/2019/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước
Theo đó hệ thống mục lục ngân sách nhà nước được quy định như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định Hệ thống mục lục ngân sách nhà nước áp dụng trong công tác lập dự toán; quyết định, phân bổ, giao dự toán; chấp hành, kế toán, quyết toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm: Chương; Loại, Khoản; Mục, Tiểu mục; Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia; Nguồn ngân sách nhà nước; Cấp ngân sách nhà nước.
2. Đối tượng áp dụng
a) Cơ quan có nhiệm vụ quản lý thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.
b) Đơn vị dự toán ngân sách, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan.
Điều 2. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương”
1. Nội dung phân loại
Chương dùng để phân loại thu, chi ngân sách nhà nước dựa trên cơ sở hệ thống tổ chức của các cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền (gọi chung là cơ quan chủ quản) được tổ chức quản lý ngân sách riêng. Mỗi cấp ngân sách bố trí một Chương đặc biệt (Các quan hệ khác của ngân sách) để phản ánh các khoản thu, chi ngân sách không thuộc dự toán giao cho các cơ quan, tổ chức.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
a) Chương được mã số hóa theo 3 ký tự theo từng cấp quản lý: Đối với cơ quan ở cấp trung ương, mã số từ 001 đến 399; đối với cơ quan ở cấp tỉnh, mã số từ 400 đến 599; đối với cơ quan ở cấp huyện, mã số từ 600 đến 799; đối với cơ quan cấp xã, mã số từ 800 đến 989.
b) Cách thức bố trí
Đối với cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế được bố trí mã riêng cho từng cơ quan chủ quản hoặc đơn vị, tổ chức kinh tế; các đơn vị trực thuộc cơ quan chủ quản (hoặc thuộc đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên) được sử dụng mã Chương của cơ quan chủ quản (đơn vị, tổ chức kinh tế cấp trên).
Đối với các đơn vị, tổ chức kinh tế hoặc cá nhân độc lập, có cùng tính chất được bố trí mã Chương chung cho các đơn vị.
3. Nguyên tắc hạch toán
a) Về nguyên tắc sử dụng mã Chương khi thực hiện sáp nhập các cơ quan, tổ chức trực thuộc các cấp chính quyền: Trong quá trình thực hiện cải cách bộ máy hành chính nhà nước, trường hợp cơ quan, tổ chức trực thuộc một cấp chính quyền sáp nhập, hợp nhất, trong khi chưa có mã Chương mới cho cơ quan hợp nhất, thì sử dụng mã Chương của đơn vị có tỷ trọng chi thường xuyên lớn nhất trong tổng số chi thường xuyên của các đơn vị được hợp nhất, sáp nhập hoặc sử dụng mã chương của của đơn vị có tên ở vị trí đầu tiên của tên đơn vị được hợp nhất, hoặc vẫn sử dụng mã Chương riêng (theo yêu cầu quản lý)
Ví dụ:
– Đơn vị hợp nhất “Văn phòng Huyện ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thì tạm thời sử dụng mã Chương 709 – Huyện ủy.
– Các đơn vị Trung tâm văn hóa huyện; Đội điện ảnh huyện; Đài phát thanh huyện khi hợp nhất lấy tên là “Trung tâm truyền thông văn hóa” thì tạm thời sử dụng mã Chương 640 “Đài phát thanh” (do số chi thường xuyên của Đài phát thanh huyện có tỷ trọng lớn nhất trong tổng số chi thường xuyên của 3 đơn vị)
b) Các trường hợp ủy quyền
– Trường hợp cơ quan, đơn vị được cơ quan thu ủy quyền thu, hạch toán theo Chương của cơ quan ủy quyền thu. Riêng các khoản thu do cơ quan thuế, cơ quan hải quan ủy quyền thu hạch toán vào chương người nộp.
– Trường hợp cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ủy quyền của cơ quan khác, hạch toán theo Chương của cơ quan ủy quyền chi.
4. Danh mục mã Chương
Danh mục mã Chương được quy định chi tiết tại Phụ lục số I ban hành kèm theo Thông tư này. Sở Tài chính hướng dẫn việc hạch toán mã số Chương trên địa bàn để phù hợp với thực tế tổ chức ở địa phương; không ban hành mã số khác với Thông tư này.
Điều 3. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Loại, Khoản”
1. Nội dung phân loại
a) Loại dùng để phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước theo lĩnh vực chi ngân sách được quy định tại Điều 36 và Điều 38 của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Khoản là phân loại chi tiết của Loại, dùng để phân loại các khoản chi ngân sách nhà nước theo ngành kinh tế quốc dân được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
a) Loại được mã số hóa theo 3 ký tự, với các giá trị lá số chẵn theo hàng chục, khoảng cách giữa các Loại là 30 giá trị. Riêng Loại các hoạt động kinh tế là 60 giá trị.
b) Khoản được mã số hóa theo 3 ký tự, với các giá trị có hàng đơn vị từ 1 đến 9 liền sau mã số của từng Loại tương ứng.
3. Nguyên tắc hạch toán
Hạch toán phân bổ dự toán ngân sách nhà nước theo Loại, Khoản phù hợp với nội dung dự toán được giao. Trường hợp một dự án có nhiều công năng, căn cứ công năng chính của dự án để xác định Loại, Khoản phù hợp.
Khi hạch toán chi ngân sách nhà nước, chỉ hạch toán mã số Khoản theo đúng nội dung phân loại, căn cứ mã số Khoản để xác định khoản chi ngân sách thuộc Loại tương ứng. Cụ thể như sau:
a) Loại Quốc phòng (ký hiệu 010)
Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động về quốc phòng của đơn vị chuyên trách Trung ương và địa phương theo phân cấp; không gồm chi công tác dân quân tự vệ của các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách của Trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của từng cơ quan, đơn vị.
b) Loại An ninh và trật tự an toàn xã hội (ký hiệu 040)
Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động về an ninh và trật tự an toàn xã hội của đơn vị chuyên trách trung ương và địa phương theo phân cấp; không gồm chi công tác an ninh và trật tự an toàn xã hội tại các cơ quan, đơn vị ngoài lực lượng chuyên trách Trung ương và địa phương được phản ánh trong từng lĩnh vực hoạt động tương ứng của từng cơ cơ quan, đơn vị.
c) Loại Giáo dục – đào tạo và dạy nghề (ký hiệu 070)
Để phản ánh, hạch toán các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động giáo dục – đào tạo và dạy nghề, như sau:
– Giáo dục – đào tạo:
+ Chi các hoạt động giáo dục – đào tạo bao gồm các hoạt động giáo dục mầm non; giáo dục tiểu học; giáo dục trung học cơ sở; giáo dục trung học phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên trong các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên; giáo dục đại học, sau đại học, phát hiện và đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; đào tạo khác trong nước; đào tạo ngoài nước; đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ khác cho cán bộ, công chức, viên chức (gồm cả đào tạo nước ngoài); các nhiệm vụ phục vụ cho giáo dục, đào tạo khác.
+ Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục – đào tạo bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo trường học, cải tạo cơ sở đào tạo, nhà làm việc, trang thiết bị học tập; chi hoạt động của các cơ sở giáo dục theo chế độ quy định.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển giáo dục, đào tạo.
– Giáo dục nghề nghiệp:
+ Chi các hoạt động giáo dục nghề nghiệp của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm các hoạt động đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
+ Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trang thiết bị học nghề; chi hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo chế độ quy định.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Tổng cục Dạy nghề; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển dạy nghề.
d) Loại Khoa học và công nghệ (ký hiệu 100)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, chuyển giao ứng dụng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và công nghệ khác. Bao gồm cả hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ.
– Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, chuyển giao ứng dụng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học và công nghệ khác. Bao gồm cả các khoản chi để phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về khoa học và công nghệ cho đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Khoa học và công nghệ.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ; chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo trình độ đại học, sau đại học bao gồm cả phát hiện và đào tạo bồi dưỡng nhân tài để bổ sung nguồn nhân lực khoa học và công nghệ theo Luật Giáo dục đại học; chi ngân sách cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng) theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.
đ) Loại Y tế, dân số và gia đình (ký hiệu 130)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng do ngân sách nhà nước mua hoặc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế và chi vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế khác, dân số và gia đình.
– Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động y tế, dân số và gia đình bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ cho hoạt động y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách, vệ sinh an toàn thực phẩm, y tế khác, dân số và gia đình.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế, Phòng Y tế; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng và phát triển thực nghiệm về y tế và sức khỏe con người; chi xử lý môi trường.
e) Loại Văn hóa thông tin (ký hiệu 160)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin, truyền thông, báo chí.
– Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động văn hóa thông tin để phục vụ cho các hoạt động thuộc văn hóa và thông tin.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Phòng Văn hóa; chi ngân sách cho các hoạt động hoa tiêu lĩnh vực đường thủy, đường không, hệ thống phát thanh, truyền hình, thông tấn; khoa học và công nghệ, đào tạo.
g) Loại Phát thanh, truyền hình, thông tấn (ký hiệu 190)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tấn.
– Chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động phát thanh, truyền hình, thông tấn.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; Chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
h) Loại Thể dục thể thao (ký hiệu 220)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ thể dục thể thao và phát triển các chính sách về các vấn đề thể dục thể thao; điều hành hoạt động hoặc hỗ trợ các hoạt động thể thao.
– Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động thể dục thể thao bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để xây dựng, cải tạo sân vận động, trung tâm thể thao, nhà thi đấu, mua sắm trang thiết bị huấn luyện, chi phí đào tạo vận động viên thành tích cao, chi phí hỗ trợ vận động viên, các chính sách chế độ liên quan thể dục thể thao.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho các hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển thể thao.
i) Loại Bảo vệ môi trường (ký hiệu 250)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động điều tra, quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường khác.
– Chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường bao gồm các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên để điều tra, quan trắc và phân tích môi trường; xử lý chất thải rắn, lỏng, khí; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường khác.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường; chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; chi hoạt động nghiên cứu khoa học.
k) Loại Các hoạt động kinh tế (ký hiệu 280)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia, tài nguyên và các hoạt động kinh tế khác.
– Các khoản chi ngân sách nhà nước cho hoạt động kinh tế bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên để phục vụ, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành kinh tế như nông nghiệp, công thương, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, du lịch, hoạt động dự trữ quốc gia, tài nguyên, các hoạt động kinh tế khác.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại các cơ quan quản lý trung ương và địa phương; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học.
l) Loại Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể (ký hiệu 340)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội; hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; các hoạt động quản lý nhà nước khác.
– Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể để phục vụ cho các hoạt động quản lý nhà nước; hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội; chi hỗ trợ hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác theo quy định; chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quản lý nhà nước khác.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho các hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học; chi hoạt động kinh tế.
m) Loại Bảo đảm xã hội (ký hiệu 370)
– Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động nhằm bảo đảm xã hội và thực hiện các chính sách về bảo đảm xã hội bao gồm: chính sách và hoạt động người có công với cách mạng; hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả; chính sách và hoạt động đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác và các đối tượng khác.
– Chi ngân sách nhà nước bao gồm chi đầu tư và chi thường xuyên cho các hoạt động bảo đảm xã hội để phục vụ các hoạt động bảo đảm xã hội và thực hiện các chính sách về bảo đảm xã hội: Chính sách và hoạt động người có công với cách mạng; hoạt động bảo vệ và chăm sóc trẻ em; lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả; chính sách và hoạt động đối với các đối tượng bảo trợ xã hội khác và các đối tượng khác.
Không bao gồm: Chi ngân sách cho hoạt động quản lý nhà nước tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội; chi ngân sách cho hoạt động đào tạo; chi ngân sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bảo đảm xã hội.
n) Loại Tài chính và khác (ký hiệu 400)
Để phản ánh, hạch toán chi các hoạt động tài chính và khác như trả nợ lãi, phí và chi khác tiền vay, viện trợ, chi dự trữ quốc gia, đầu tư, cho vay của Nhà nước, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, hỗ trợ các đơn vị cấp trên đóng trên địa bàn và các khoản chi khác ngân sách nhà nước.
o) Loại Chuyển giao, chuyển nguồn (ký hiệu 430)
Để phản ánh, hạch toán chi các khoản chuyển giao các cấp và chuyển sang năm sau như bổ sung cân đối cho ngân sách cấp dưới, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới, nộp ngân sách cấp trên, chuyển nguồn sang năm sau, hỗ trợ địa phương khác theo quy định, dự phòng ngân sách và nhiệm vụ chi khác của ngân sách.
4. Danh mục mã Loại, Khoản được quy định chi tiết tại Phụ lục số II ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 4. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Mục và Tiểu mục”
1. Nội dung phân loại
a) Mục dùng để phân loại các khoản thu, chi ngân sách nhà nước căn cứ nội dung kinh tế theo các chính sách, chế độ thu, chi ngân sách nhà nước.
Các Mục có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Tiểu nhóm.
Các Tiểu nhóm có tính chất giống nhau theo yêu cầu quản lý được tập hợp thành Nhóm.
b) Tiểu mục là phân loại chi tiết của Mục, dùng để phân loại các khoản thu, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo các đối tượng quản lý trong từng Mục.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
a) Mục được mã hóa theo 4 ký tự, với các giá trị là số chẵn theo hàng chục, bao gồm Mục trong cân đối và Mục ngoài cân đối.
– Mục trong cân đối bao gồm: Mục thu, Mục chi ngân sách nhà nước và Mục chuyển nguồn giữa các năm ngân sách.
– Mục ngoài cân đối bao gồm: Mục vay và trả nợ gốc vay của ngân sách nhà nước, Mục tạm thu và Mục tạm chi.
b) Tiểu mục được mã hóa theo 4 ký tự, với các giá trị có hàng đơn vị từ 1 đến 9, trong đó giá trị 9 cuối cùng trong khoảng của Mục dùng chỉ tiểu mục khác (hạch toán khi có hướng dẫn cụ thể). Các Tiểu mục thu, chi được bố trí trong khoảng 50 giá trị liền sau của Mục thu, chi trong cân đối tương ứng. Riêng các Mục vay và trả nợ gốc vay khoảng cách là 20 giá trị.
3. Nguyên tắc hạch toán
Khi hạch toán thu, chi ngân sách nhà nước, chỉ hạch toán mã số Tiểu mục theo đúng nội dung kinh tế các khoản thu, chi ngân sách. Căn cứ mã số Tiểu mục để xác định khoản thu, chi ngân sách thuộc Mục tương ứng.
4. Danh mục mã Mục, Tiểu mục được quy định chi tiết tại Phụ lục số III ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 5. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia”
1. Nội dung phân loại
a) Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được phân loại dựa trên cơ sở nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước cho các chương trình, mục tiêu, dự án quốc gia và các nhiệm vụ chi cần theo dõi riêng.
b) Các nhiệm vụ chi cần được theo dõi riêng gồm cả các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà tài trợ quốc tế và chương trình, mục tiêu, dự án của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định có thời gian thực hiện từ 5 năm trở lên, phạm vi thực hiện rộng, kinh phí lớn.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
a) Chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được mã số hóa theo 4 ký tự, với các giá trị là số chẵn theo hàng chục. Các chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được chi tiết theo các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án thuộc từng chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia, được mã hóa theo 4 ký tự liền sau mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia.
b) Cách thức bố trí
– Đối với các chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định: Sử dụng các mã số có giá trị từ 0001 đến 4999; khoảng cách giữa các chương trình, mục tiêu là 20 giá trị. Riêng Chương trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước (Mã số 0210) có 40 giá trị. Đối với 21 Chương trình mục tiêu ban hành theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015; chương trình, mục tiêu xử lý chất độc da cam Dioxin; hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ là 10 giá trị.
– Đối với các chương trình, mục tiêu do địa phương quyết định: Sử dụng các mã số có giá trị từ 5000 đến 9989; khoảng cách giữa các chương trình, mục tiêu là 10 giá trị. Đối với các địa phương có nhu cầu quản lý, hạch toán riêng các chương trình mục tiêu do địa phương quyết định ban hành: Sở Tài chính có văn bản đề xuất cụ thể (kèm theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền ban hành chương trình mục tiêu của địa phương) gửi Bộ Tài chính (Kho bạc nhà nước) để xác định mã số cụ thể và thông báo gửi địa phương thực hiện.
3. Nguyên tắc hạch toán
a) Khi hạch toán các khoản chi ngân sách nhà nước cho chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia chỉ hạch toán theo mã số các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án; căn cứ mã số của các tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án, tổng hợp thông tin về số chi ngân sách nhà nước cho cả chương trình, mục tiêu tương ứng.
Đối với các khoản chi ngân sách nhà nước không thuộc chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia thì không hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia.
b) Trường hợp địa phương bố trí nguồn ngân sách địa phương để thực hiện chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định thì phải hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia do Trung ương quyết định (không hạch toán theo mã số chương trình, mục tiêu do địa phương quyết định ban hành).
4. Danh mục mã chương trình, mục tiêu và dự án quốc gia được quy định chi tiết tại Phụ lục số IV ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 6. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Nguồn ngân sách nhà nước”
1. Nội dung phân loại
Nguồn ngân sách nhà nước là nguồn được xác định trên cơ sở dự toán được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân giao cho đơn vị dự toán (gồm cả bổ sung hoặc thu hồi trong quá trình điều hành ngân sách) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, được phân loại căn cứ nguồn gốc hình thành, bao gồm nguồn trong nước và nguồn ngoài nước, cụ thể:
a) Nguồn ngoài nước là nguồn vốn nước ngoài tài trợ theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể theo cam kết của nhà tài trợ, bên cho vay nước ngoài được ký kết với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
b) Nguồn trong nước là các nguồn vốn còn lại, bao gồm cả nguồn vốn ngoài nước tài trợ không theo nội dung, địa chỉ sử dụng cụ thể được coi là nguồn vốn trong nước và được hạch toán theo mã nguồn trong nước.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
Nguồn ngân sách nhà nước được mã hóa theo 2 ký tự, trong đó:
– Nguồn vốn trong nước: Mã số 01
– Nguồn vốn ngoài nước: Mã số 50
Các mã chi tiết của mã nguồn vốn trong nước, mã nguồn vốn ngoài nước quy định tại chế độ kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và nghiệp vụ Kho bạc (TABMIS).
3. Nguyên tắc hạch toán
Đối với mã nguồn trong nước, hạch toán chi thường xuyên theo mã số tính chất nguồn kinh phí; chi đầu từ theo mã số nguồn vốn đầu tư. Bộ Tài chính bổ sung danh mục và hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp hạch toán chi tiết đến từng nguồn vốn đầu tư, thường xuyên trong chế độ kế toán ngân sách nhà nước.
Điều 7. Phân loại mục lục ngân sách nhà nước theo “Cấp ngân sách nhà nước”
1. Nội dung phân loại
a) Cấp ngân sách được phân loại dựa trên cơ sở phân cấp quản lý ngân sách nhà nước cho từng cấp chính quyền để hạch toán các khoản thu, chi ngân sách nhà nước của từng cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Cấp ngân sách bao gồm: Ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh, ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã.
2. Mã số hóa nội dung phân loại
a) Ngân sách trung ương: Quy định là số 1.
b) Ngân sách cấp tỉnh: Quy định là số 2.
c) Ngân sách cấp huyện: Quy định là số 3.
d) Ngân sách cấp xã: Quy định là số 4.
3. Nguyên tắc hạch toán
a) Đối với thu ngân sách nhà nước
Đơn vị nộp khoản thu vào ngân sách nhà nước không ghi mã số cấp ngân sách. Căn cứ vào chế độ phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước của cấp có thẩm quyền, Kho bạc Nhà nước hạch toán số thu theo từng cấp ngân sách vào hệ thống kế toán ngân sách nhà nước.
b) Đối với chi ngân sách nhà nước
Các cơ quan, đơn vị giao dự toán, khi phát hành chứng từ chi ngân sách nhà nước (giấy rút dự toán hoặc lệnh chi tiền, chứng từ chi ngân sách nhà nước khác), phải ghi rõ khoản chi thuộc ngân sách cấp nào. Trên cơ sở đó, Kho bạc nhà nước hạch toán mã số chi theo cấp ngân sách tương ứng vào hệ thống kế toán ngân sách nhà nước.
Điều 8. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 04 tháng 02 năm 2017, áp dụng từ năm ngân sách 2017, cụ thể như sau:
a) Đối với năm ngân sách 2017 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung.
Việc chuyển đổi mã số hạch toán ngành, lĩnh vực đầu tư theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg và lĩnh vực chi ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước số 83/2016/QH13 sang danh mục mã số nhiệm vụ chi năm ngân sách 2017 được thực hiện theo Bảng chuyển đổi số 01/BCĐ kèm theo Thông tư này. Mã nhiệm vụ chi ban hành kèm theo Quyết định số 63/2008/QĐ-BTC ngày 01/08/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hết hiệu lực từ năm ngân sách 2017.
b) Từ năm ngân sách 2018 trở đi thực hiện thống nhất theo quy định tại thông tư này.
Việc chuyển đổi mã số hạch toán ngành, lĩnh vực đầu tư theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg và lĩnh vực chi ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước số 83/2016/QH13 sang danh mục mà số nhiệm vụ chi mới được thực hiện theo Bảng chuyển đổi số 02/BCĐ kèm theo Thông tư này.
c) Thông tư này thay thế Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các Thông tư bổ sung, sửa đổi:
số 136/2009/TT-BTC ngày 02/7/2009, số 69/2009/TT-BTC ngày 03/4/2009, số 223/2009/TT-BTC ngày 25/11/2009, số 26/2010/TT-BTC ngày 25/02/2010, số 143/2010/TT-BTC ngày 22/9/2010, số 198/2010/TT-BTC ngày 08/12/2010, số 30/2011/TT-BTC ngày 02/3/2011, số 57/2011/TT-BTC ngày 05/5/2011, số 144/2011/TT-BTC ngày 21/10/2011, số 110/2012/TT-BTC ngày 03/7/2012, số 217/2012/TT-BTC ngày 17/12/2012, số 97/2013/TT-BTC ngày 23/7/2013, số 192/2014/TT-BTC ngày 12/12/2014, số 56/2016/TT-BTC ngày 25/3/2016, số 300/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016; Quyết định số 54/QĐ-BTC ngày 12/01/2011; Công văn số 7472/BTC-NSNN ngày 10/6/2010 về việc cấp mã số cho các chương trình, dự án của Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Công văn số 7423/BTC-NSNN ngày 05/6/2014 về việc cấp mã dự án của Bộ Giáo dục và Đào Tạo kể từ ngày hiệu lực nêu tại Khoản 1, Điều 8 Thông tư này. Riêng các mã số Bộ Tài chính đã cấp cho chương trình, mục tiêu “Xử lý chất độc da cam Dioxin” hạch toán theo quy định tại Thông tư số 147/2013/TT-BTC ngày 23/10/2013 và “Hoạt động bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ” hạch toán theo quy định tại Thông tư số 104/2014/TT-BTC ngày 07/08/2014 của Bộ Tài chính; các mã chương trình, mục tiêu, dự án do địa phương quyết định đã được Bộ Tài chính cấp mã số, được sử dụng mã số đã được cấp.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
Hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước được quy định thống nhất toàn quốc.
Việc chuyển đổi số dư từ mã Mục lục ngân sách nhà nước cũ sang mã Mục lục ngân sách nhà nước ban hành tại Thông tư này bảo đảm phản ánh đầy đủ thông tin, không làm thay đổi nội dung kinh tế của số dư. Bộ Tài chính có công văn riêng hướng dẫn bảng chuyển đổi (ánh xạ).
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương các đoàn thể và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, triển khai và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện Thông tư này.
Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thi hành Thông tư này./.
Mục lục ngân sách mới nhất
III. Hệ Thống Danh Mục Ngân Sách Nhà Nước Mới Nhất
Thông tư 93/2019/TT-BTC Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 324/2016/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước. Theo đó hệ thống danh mục ngân sách nhà nước có những thay đổi như sau:
“2. Mã Chương quy định tại Phụ lục I, được bổ sung như sau:
Chương 034 “Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
3. Mã Khoản, quy định tại Phụ lục II, được bổ sung nội dung hạch toán như sau:
Bổ sung nội dung hạch toán của mã Khoản 398 “Chính sách và hoạt động phục vụ các đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác” như sau: Các nhiệm vụ chi phòng chống tệ nạn xã hội trong gia đình, mang tính đảm bảo xã hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (bạo lực gia đình, vấn đề giới trong gia đình, vấn đề bóc lột sức lao động trẻ em trong gia đình …).
4. Mã Mục, Tiểu mục quy định tại Phụ lục III, được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 1400 “Thu tiền sử dụng đất”:
– Tiểu mục 1412 “Thu tiền sử dụng đất Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai”.
– Tiểu mục 1413 “Thu tiền sử dụng đất các dự án trọng điểm khác”
b) Bổ sung tiểu mục thuộc mục 2000 “Thuế bảo vệ môi trường”, như sau:
– Tiểu mục 2022 “Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng xăng (trừ etanol) bán ra trong nước”;
– Tiểu mục 2023 “Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng dầu diezel bán ra trong nước”;
– Tiểu mục 2024 “Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng dầu hỏa bán ra trong nước”;
– Tiểu mục 2025 “Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng dầu mazut, dầu mỡ nhờn bán ra trong nước”;
– Tiểu mục 2026 “Thuế bảo vệ môi trường mặt hàng nhiên liệu bay bán ra trong nước”;
c) Sửa đổi tên và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 2300 “Phí thuộc lĩnh vực giao thông vận tải”:
– Sửa đổi tên Tiểu mục 2301 “Phí thuộc lĩnh vực đường bộ (sử dụng đường bộ, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, sát hạch lái xe)” thành “Phí thuộc lĩnh vực đường bộ (không bao gồm phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô)”.
– Sửa đổi tên Tiểu mục 2303 “Phí thuộc lĩnh vực đường biển” thành “Phí thuộc lĩnh vực đường biển (không bao gồm phí bảo đảm hàng hải)”.
– Bổ sung Tiểu mục 2324 “Phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô”.
– Bổ sung Tiểu mục 2325 “Phí bảo đảm hàng hải”.
d) Bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 2650 “Phí thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm”:
– Tiểu mục 2666 “Phí hải quan đối với chuyến bay của nước ngoài đến các Cảng hàng không Việt Nam”.
đ) Sửa đổi tên và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 3000 “Lệ phí quản lý nhà nước đặc biệt về chủ quyền quốc gia”:
– Sửa đổi tên Tiểu mục 3002 “Lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển” thành “Lệ phí đi qua vùng đất, vùng biển (không bao gồm lệ phí hàng hóa phương tiện quá cảnh”.
– Bổ sung Tiểu mục 3003 “Lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh”.
e) Bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 3600 “Tiền cho thuê mặt đất, mặt nước”
– Tiểu mục 3611 “Tiền thuê đất Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai”.
– Tiểu mục 3612 “Tiền thuê đất các dự án trọng điểm khác”.
f) Hủy bỏ các Tiểu mục thuộc Mục 3850 “Thu tiền khai thác, cho thuê tài sản công”:
– Hủy bỏ Tiểu mục 3853 “Tiền thuê cơ sở hạ tầng đường sắt”;
– Hủy bỏ Tiểu mục 3854 “Tiền cho thuê cơ sở hạ tầng bến cảng, cầu cảng”;
– Hủy bỏ Tiểu mục 3856 “Tiền cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng”;
g) Sửa đổi tên Mục, Tiểu mục và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 3850 “Thu tiền khai thác, cho thuê tài sản nhà nước”:
– Sửa đổi tên Mục 3850 “Thu tiền khai thác, cho thuê tài sản nhà nước” thành “Thu tiền khai thác, cho thuê tài sản công”;
– Sửa đổi tên Tiểu mục 3899 “Khác” thành “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng khác”;
– Bổ sung Tiểu mục 3858 “Tiền thu từ sử dụng tài sản công của tổ chức vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết”;
– Bổ sung Tiểu mục 3859 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng hàng không”;
– Bổ sung Tiểu mục 3861 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải”;
– Bổ sung Tiểu mục 3862 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia”;
– Bổ sung Tiểu mục 3863 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa”;
– Bổ sung Tiểu mục 3864 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ”;
– Bổ sung Tiểu mục 3865 “Thu từ khai thác cho thuê tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi”;
h) Bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 4250 “Thu tiền phạt”, như sau:
– Tiểu mục 4281 “Thu tiền phạt vi phạm hành chính do lực lượng quản lý thị trường thực hiện”.
i) Sửa đổi tên và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 4300 “Thu tịch thu”:
– Sửa đổi tên Tiểu mục 4311 “Tịch thu do phạm tội hoặc liên quan tội phạm theo quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án” thành “Tịch thu do phạm tội hoặc liên quan tội phạm các vụ án khác theo quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án”;
– Bổ sung Tiểu mục 4323 “Tịch thu từ các vụ án tham nhũng, kinh tế theo quyết định của Tòa án, cơ quan Thi hành án”.
k) Sửa đổi tên và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 4800 “Thu kết dư ngân sách”:
– Sửa đổi tên Tiểu mục 4800 “Thu kết dư ngân sách” thành “Thu kết dư ngân sách và nguồn kết dư ngân sách sử dụng để trả nợ gốc, lãi các khoản vay của NSNN theo quy định”;
– Bổ sung Tiểu mục 4802 “Nguồn kết dư ngân sách sử dụng để trả nợ gốc, lãi các khoản vay của NSNN”.
l) Sửa đổi tên Mục, Tiểu mục và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 7550 “Chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo Luật thuế giá trị gia tăng” như sau:
– Sửa đổi tên Mục 7550 “Chi hoàn thuế giá trị gia tăng theo Luật thuế giá trị gia tăng” thành “Hoàn thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ, theo chế độ quy định”;
– Sửa đổi tên Tiểu mục 7551 “Chi hoàn thuế giá trị gia tăng” thành “Hoàn thuế giá trị gia tăng”;
– Sửa đổi tên Tiểu mục 7552 “Chi trả lãi do chậm hoàn trả thuế giá trị gia tăng theo chế độ quy định” thành “Trả lãi do chậm hoàn trả thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế nhập khẩu theo chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ”;
– Sửa đổi tên Tiểu mục 7599 “Chi khác” thành “Hoàn khác”.
– Bổ sung Tiểu mục 7553 “Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng xăng khoáng nguyên liệu dùng để sản xuất, pha chế xăng sinh học theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt”;
– Bổ sung Tiểu mục 7554 “Hoàn thuế nhập khẩu đối với chương trình ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ô tô”.
– Bổ sung Tiểu mục 7555 “Hoàn thuế nhập khẩu đối với chương trình ưu đãi thuế công nghiệp hỗ trợ”.
m) Sửa đổi tên Mục 8150 “Chi quy hoạch” thành “Chi đánh giá quy hoạch”.
n) Mục 8600 “Trả các khoản phí và chi phí liên quan đến các khoản vay ngoài nước” được sửa thành Mục 8650 “Trả các khoản phí và chi phí liên quan đến các khoản vay ngoài nước”.
o) Sửa đổi tên Mục, Tiểu mục và bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 8950 “Đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, các quỹ”, như sau:
– Sửa đổi tên Mục 8950 “Đầu tư vốn cho các doanh nghiệp, các quỹ” thành “Đầu tư, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, các quỹ”;
– Sửa đổi tên Tiểu mục 8953 “Cấp vốn điều lệ cho các quỹ (cấp ban đầu và cấp bổ sung)” thành “Hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”;
– Bổ sung Tiểu mục 8956 “Ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay”;
– Bổ sung Tiểu mục 8957 “Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
p) Bổ sung Mục 9150 “Chi quy hoạch theo Luật Quy hoạch” với các tiểu mục như sau:
– Tiểu mục 9151 “Chi quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, vùng, lãnh thổ, tỉnh, thành phố”;
– Tiểu mục 9152 “Chi quy hoạch phát triển ngành kỹ thuật, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu”;
– Tiểu mục 9153 “Chi quy hoạch đô thị, nông thôn, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt”;
– Tiểu mục 9154 “Chi quy hoạch sử dụng đất”;
– Tiểu mục 9199 “Chi quy hoạch khác”.
q) Bổ sung Tiểu mục thuộc Mục 0840 “Vay và trả nợ gốc vay ngoài nước của Ngân sách nhà nước”, như sau:
– Tiểu mục 0865 “Gốc hóa lãi, phí tiền vay Trái phiếu Chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế”;
– Tiểu mục 0866 “Gốc hóa lãi, phí tiền vay của các tổ chức quốc tế”;
– Tiểu mục 0867 “Gốc hóa lãi, phí tiền vay các tổ chức tài chính nước ngoài khác”;
– Tiểu mục 0868 “Gốc hóa lãi, phí tiền vay của Chính phủ các nước”;
– Tiểu mục 0869 “Gốc hóa lãi, phí tiền vay nước ngoài khác”.
5. Hướng dẫn về nội dung hạch toán thuế Thu nhập cá nhân tại Mục 1000 “Thuế thu nhập cá nhân”, được bổ sung như sau:
“Các khoản thuế Thu nhập cá nhân do cơ quan chi trả thu nhập thực hiện hoặc do cá nhân thực hiện: Nếu do Cục Thuế quản lý thì hạch toán chương 557 “Hộ gia đình, cá nhân”, nếu do Chi cục Thuế quản lý thì hạch toán chương 757 “Hộ gia đình, cá nhân” (không hạch toán mã chương 857 “Hộ gia đình, cá nhân”)”.
6. Mã Chương trình mục tiêu và dự án quốc gia quy định tại Phụ lục IV, được bổ sung như sau:
Bổ sung mã số tiểu chương trình, nhiệm vụ, dự án 0972 “Kinh phí bảo đảm trật tự an toàn giao thông” thuộc Mã chương trình, mục tiêu 0950 “Các chương trình, mục tiêu, dự án khác”.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14 tháng 02 năm 2020 và được áp dụng từ năm ngân sách 2020.”